Phát triển theo định hướng khu công nghiệp sinh thái, các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) cần phải xem xét đến các yếu tố: Thiết kế thân thiện môi trường, chú trọng đến không gian bên ngoài, nhà xưởng, phòng làm việc và bảo đảm mạng lưới không gian xanh trong phạm vi từng cơ sở sản xuất và trong KCX-KCN; Quy hoạch dòng vật chất và năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế hệ thống sử dụng năng lượng, tài nguyên, hệ thống tái sử dụng và tái chế chất thải; Xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp thông qua hoạt động chia sẻ tài nguyên và thông tin, với các dịch vụ phục vụ chung cho KCX-KCN và khu dân cư lân cận.
TPHCM với 16 KCX-KCN và 1 khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động, cũng đang đẩy mạnh phát triển theo xu hướng sinh thái. Nhiều nơi như KCX Linh Trung 1, KCN Hiệp Phước, KCX Tân Thuận… đã và đang thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã yêu cầu các KCX-KCN thực hiện việc quan trắc tự động môi trường nước kết nối với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường để tiện cho việc theo dõi, giám sát.
Đến nay đã có 100% KCX-KCN ở thành phố thực hiện việc quan trắc tự động. Hệ thống quan trắc tự động sẽ là cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường. Các số liệu quan trắc sẽ là nguồn tin quan trọng làm cơ sở phát hiện và cảnh báo sớm các vấn đề môi trường, đánh giá được hiện trạng môi trường.
Có thể nói, việc áp dụng khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phát triển khu công nghiệp sinh thái có thể cải thiện hoạt động kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường, bởi nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thiểu bỏ chất thải, thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam thì hệ thống chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng.