Cơ hội lớn của các nhà mạng
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản, còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất.
Việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân, nhất là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo Bộ TT-TT, việc triển khai Mobile Money sẽ thúc đẩy tạo không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp viễn thông Việt Nam với hơn 130 triệu thuê bao di động hiện nay. Mobile Money mở ra một phương thức thanh toán mới tại Việt Nam, đặt ra cơ hội lớn nhưng cũng nhiều thử thách đối với các nhà mạng viễn thông.
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money gửi Ngân hàng Nhà nước. Dự kiến trong quý 2-2021, các nhà mạng sẽ triển khai dịch vụ này
ra thị trường.
Đại diện VNPT cho biết, đã sẵn sàng về hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money. Về quy trình thủ tục, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhà mạng phải chuẩn bị hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ Mobile Money để gửi Ngân hàng Nhà nước.
Sau đó Ngân hàng Nhà nước xem xét, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan như Bộ TT-TT, Bộ Công an, rồi mới có quyết định đồng ý cấp phép thử nghiệm cho nhà mạng. Lúc đó doanh nghiệp viễn thông mới bắt đầu được triển khai dịch vụ.
Nhà mạng MobiFone cho biết, vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đây là điều kiện để nhà mạng tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money.
Theo đó, các dịch vụ trung gian thanh toán của MobiFone được Ngân hàng Nhà nước cấp phép bao gồm: dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử và dịch vụ ví điện tử. Hiện MobiFone cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ xin phép triển khai Mobile Money.
Còn theo đại diện Tập đoàn Viettel, nhà mạng này đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ và sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100%
khách hàng Viettel.
Cẩn trọng ngay khi thí điểm
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, được triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile Money tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu người dân.
Dịch vụ này chỉ áp dụng với giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới. Các doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định.
Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện; hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản Mobile Money gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam. Khác với các ví điện tử, người dùng không cần phải có tài khoản ngân hàng để sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Việc thanh toán này được thực hiện qua ứng dụng của đơn vị cung cấp dịch vụ trên smartphone. Tại những vùng không có internet hoặc với người dùng điện thoại phổ thông, họ có thể sử dụng tài khoản Mobile Money của mình để thanh toán thông qua tin nhắn SMS.
Tính sơ bộ, chỉ cần 20%-30% trong tổng số khoảng 130 triệu thuê bao di động hiện nay sử dụng Mobile Money với hạn mức tối đa (10 triệu đồng/tháng) thì lượng giao dịch luân chuyển qua hệ thống Mobile Money của Việt Nam hàng tháng, hàng năm là rất lớn.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, do triển khai Mobile Money sau nhiều quốc gia trên thế giới nên Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong triển khai dịch vụ để đạt được những tiện ích tối ưu, hạn chế tối đa các nhược điểm của loại hình thanh toán này.
Hiện các đơn vị liên quan đến dịch vụ này đang gấp rút chuẩn bị mọi yếu tố pháp lý, hạ tầng, công nghệ, dịch vụ, nhân lực… để phát triển dịch vụ trong thời gian ngắn nhất với những yếu tố an toàn, tiện ích nhất cho người dùng.
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng, cục đã yêu cầu các doanh nghiệp cố gắng trình hồ sơ để thẩm định ngay trong tháng 3. Sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thẩm định. Nếu có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT-TT thì Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi Bộ TT-TT thẩm định trong thời gian nhanh nhất. Cũng theo đại diện Cục Viễn thông, khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money tương tự như các hình thức thanh toán khác, có thể sẽ phải trả một mức phí nhất định. Tuy nhiên, việc thu phí hay không và mức phí như thế nào sẽ được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đề xuất; xem xét thực hiện phù hợp với mặt bằng chung của các khoản thanh toán có giá trị nhỏ để khuyến khích người dân sử dụng và phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. |