Từ ngày 1-12 tới, Bộ Tài Chính, Cục Thuế Nhà nước và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc sẽ triển khai toàn diện các biện pháp thí điểm về quy định mới, áp dụng thuế tài nguyên nước thay thế cho phí tài nguyên nước. Việc thực hiện toàn diện chương trình thí điểm chủ yếu tuân theo nguyên tắc chuyển đổi suôn sẻ, tăng cường quy định phân loại, phản ánh sự khác biệt trong khu vực và huy động tính tích cực của địa phương.
Theo quy định mới, đối tượng nộp thuế tài nguyên nước là những tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác tài nguyên nước từ sông, hồ (kể cả những dự án phân bổ tài nguyên nước như hồ chứa, dự án dẫn nước) và dưới lòng đất. Thuế tài nguyên nước được đánh trên cơ sở định lượng, với số thuế chênh lệch dựa trên điều kiện tài nguyên nước, loại hình tiêu thụ nước và sự phát triển kinh tế.
Sau khi triển khai đầy đủ chương trình thí điểm thay thế phí tài nguyên nước bằng thuế, toàn bộ nguồn thu thuế tài nguyên nước sẽ thuộc về chính quyền địa phương, nhằm tăng cường nguồn tài chính độc lập của địa phương.
Tài nguyên nước của Trung Quốc rất khan hiếm, bình quân đầu người chỉ bằng 1/4 mức trung bình của thế giới. Để thúc đẩy xây dựng các thành phố tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ tài nguyên nước và hiệu quả sử dụng nước, thúc đẩy hình thành lối sống phát triển xanh, từ ngày 1-7-2016, Trung Quốc đã triển khai các dự án thí điểm cải cách thuế tài nguyên nước tại 10 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có Hà Bắc, Bắc Kinh và Thiên Tân.
Có một số nghiên cứu cho rằng, thuế tài nguyên nước làm tăng gánh nặng của người nộp thuế và không có lợi cho việc bảo tồn nước. Tuy nhiên, thí điểm cải cách đã đạt được kết quả đáng chú ý trong việc hạn chế khai thác quá mức nước ngầm, thay đổi phương pháp sử dụng nước, thúc đẩy chuyển đổi tiết kiệm nước.
Vì thuế tài nguyên nước sẽ làm tăng gánh nặng thuế đối với lượng nước tiêu thụ, nên các đơn vị được khuyến khích áp dụng các công nghệ bảo tồn nước mới. Phương pháp này từ lâu đã được coi là một cách tiếp cận mạnh mẽ để bảo tồn nước và thay đổi mô hình sử dụng nước ở các lĩnh vực tiêu thụ nhiều.
Bên cạnh đó, bản chất bắt buộc của thuế cũng giúp nâng cao nhận thức và khiến mỗi đơn vị nói chung, cá nhân tiêu dùng nói riêng nhận ra sự khan hiếm của tài nguyên nước và hướng tới việc tiêu thụ nước bền vững. Cuối cùng, doanh thu từ thuế thu được có thể được đầu tư vào việc bảo vệ và phục hồi nguồn nước.
Việc Trung Quốc thực hiện chính sách thuế phí đối với tài nguyên nước rất phù hợp để đánh giá khoa học về tác động ròng của tình trạng thiếu nước. Theo Frontiers, đây cũng là một thành phần quan trọng của các chiến lược giảm nghèo nước. “Nghèo nước” là khái niệm vượt ra ngoài tình trạng thiếu nước và đa chiều, tập trung cụ thể vào các khía cạnh xã hội và kinh tế của quản lý tài nguyên nước.