Kiến nghị ưu đãi về tín dụng
Phát biểu khai mạc VBF 2022, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”.
Đồng chủ trì diễn đàn, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk nhận định, Việt Nam đã đưa ra những mục tiêu rất cao, những cam kết rất ấn tượng với “mục tiêu kép” là trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bà Carolyn Turk cũng cho biết, WB và các đối tác sẽ tiếp tục hợp tác, ủng hộ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và giảm phát thải cùng lúc.
Tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu nhiều kiến nghị, từ định hướng tổng quan đến những giải pháp cụ thể cho nhiều vấn đề, từ cung cấp thông tin, chính sách tín dụng đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ; cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi, trả nợ và khắc phục nợ xấu…
Tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của bạn bè, đối tác quốc tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư với Việt Nam thời gian qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, mất mát, thiệt thòi, hy sinh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế do đại dịch trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh “bình thường mới”, dựa trên kinh nghiệm đã được đúc kết về phòng chống dịch (gồm 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị).
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh. Về hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu... Về đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi bảo đảm công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi xanh, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, đa dạng hóa nguồn vốn, công nghệ xanh, công nghệ sạch, quản trị và nguồn nhân lực.
Bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng giao các bộ ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng tại diễn đàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật, hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, thúc đẩy phát triển và phục hồi chuỗi sản xuất.
* Bà TRẦN THỊ LAN ANH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Tôi cho rằng, cần chú trọng giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động nhằm giảm thiểu các vụ đình công, lãn công của người lao động; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để tuyên truyền, động viên tinh thần của người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. * Ông ALAIN CANY, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham): Chúng tôi khuyến nghị hợp tác công tư để xây dựng điện toán đám mây cho các cơ quan chính phủ, áp dụng các chính sách ưu tiên đám mây thông minh và giảm chi phí bằng các cơ chế công nhận, tuân thủ và bảo mật trên đám mây được quốc tế công nhận. |