Cho nên, dữ liệu mở không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển xã hội mà đang được xem là nguồn lực linh hoạt đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế quốc gia nói chung. TPHCM cũng đang xây dựng, tiến tới hình thành kho dữ liệu mở dùng chung.
Tài sản của toàn xã hội
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần thực hiện các nội dung để phát triển kinh tế số. Cụ thể, tạo dựng cơ sở dữ liệu số nhanh hiệu quả; xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp; đổi mới hệ thống giáo dục, dạy nghề để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trước sự phát triển của kinh tế số; tạo dựng, quản lý dữ liệu mở để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng nhằm phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, TPHCM có nguồn lực công nghệ thông tin, số người sử dụng Internet cao nhất cả nước, hiện khoảng 80% dân số TP sử dụng điện thoại thông minh. Đây là những điều kiện thuận lợi để TP phát triển kinh tế số. TPHCM hiện đang xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở để tích hợp cơ sở dữ liệu của các sở ban ngành, quận huyện.
Qua đây có thể thấy rằng, việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung hết sức cần thiết, vì lâu nay, các cơ sở dữ liệu hiện hữu vẫn nằm rải rác ở các quận huyện, sở ngành, chưa được tập trung. Việc tích hợp các nguồn dữ liệu về một đầu mối làm cơ sở dữ liệu dùng chung hoàn chỉnh là rất quan trọng để các sở ban ngành, doanh nghiệp, người dân có dữ liệu thống nhất. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, dữ liệu mở là tài sản chung của toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế số.
Giám đốc điều hành Chương trình dữ liệu mở toàn cầu về nông nghiệp và dinh dưỡng của Liên hiệp quốc André Laperrière cho rằng, chìa khóa để đổi mới sáng tạo là sử dụng hiệu quả dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Việc tập hợp dữ liệu cực kỳ quan trọng. Đây chính là kiến thức, trí tuệ giúp công tác quản lý tốt hơn. Để sử dụng dữ liệu hiệu quả cần kết hợp 3 bên, gồm: Chính phủ (nơi có và cung cấp dữ liệu), người dân (đối tượng muốn tiếp cận thông tin), khối tư nhân (giúp rút ngắn việc cung cấp dữ liệu).
Ưu tiên lĩnh vực trọng tâm
Dữ liệu mở bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia (như thống kê quốc gia, ngân sách chính phủ, thời tiết, bản đồ) và các cơ sở dữ liệu địa phương (như thông tin về an ninh trật tự, giao thông vận tải, giấy phép kinh doanh, cơ sở giáo dục…). Hiện nay có nhiều nguồn dữ liệu mở từ mạng xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp nhưng nguồn dữ liệu lớn và được sử dụng rộng rãi nhất là dữ liệu từ Chính phủ hoặc các tổ chức được hỗ trợ từ Chính phủ. Đây được xem là nguồn lực mang tính toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã có những kết quả tích cực; tuy nhiên, một số cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai quốc gia, tài chính còn chậm triển khai, dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện. Hiện dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện; chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trên thực tế, số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Trong khi đó, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu triển khai chậm |
Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng và sử dụng dữ liệu mở của chính phủ ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, vẫn mới bắt đầu. Theo ông Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản, hiện nay phần thật sự thiếu chính là dữ liệu và ứng dụng dữ liệu, cho nên khi xây dựng dữ liệu cần ưu tiên một số lĩnh vực trọng tâm, có mục tiêu, lộ trình để người dân sử dụng được các dữ liệu trong công việc của mình.