Lời hồi đáp sau nửa thế kỷ

LTS: Hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam không phải tự nhiên mà có. Bao thế hệ đã ngã xuống vì dáng hình đất nước hôm nay, trong đó có tiếng nói đấu tranh ủng hộ của bạn bè quốc tế. Để tăng sức ép trên bàn đàm phán ngoại giao ở Pháp, ngày 19-1-1969, trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà cao 100m (Paris, Pháp), lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay… Câu chuyện về lá cờ năm ấy được phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi nhận trực tiếp từ các nhân vật trong cuộc sau hơn 50 năm!

Ngày 19-1-1969, cả Paris ngỡ ngàng trước hình ảnh lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà. Sự việc bất ngờ này đã gây tiếng vang và nâng cao vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên bàn đàm phán bốn bên. Nhưng người treo lá cờ hoàn toàn là ẩn số! Đến năm 2023, những nhân vật tham gia treo lá cờ ấy mới lộ diện qua cuốn “Le Vietcong au sommet de Notre - Dame” (tạm dịch: Lá cờ Việt Cộng trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà)…

Sự ủng hộ quốc tế

Năm 1968, hội nghị Paris về Việt Nam họp với hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ. Cuối năm 1968, với sự đấu tranh của phía ta cùng với sự ủng hộ và đấu tranh của bạn bè quốc tế, Hoa Kỳ chấp nhận hội nghị 4 bên, trong đó một bên là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Đây là một thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc kẻ thù phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Trong hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”, bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) chia sẻ: “Lựa chọn Paris làm nơi đàm phán là một thắng lợi lớn của chúng ta. Có lẽ Mỹ cũng không nghĩ được là Việt Nam từng đánh nhau với Pháp nhưng chính nơi đây ta lại có nhiều bạn bè Pháp thân thiết ủng hộ chúng ta và đông đảo Việt kiều yêu nước. Paris được coi là trung tâm hoạt động của châu Âu, trung tâm dư luận của thế giới. Từ đây chúng ta có thuận lợi thông tin đi các nước. Bao nhiêu lần những tin tức quan trọng như việc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia, đánh phá leo thang ra miền Bắc, các cuộc tàn sát của quân Mỹ như ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ)... đều được thông báo rất nhanh từ các đoàn đàm phám tại Paris của chúng ta ra khắp thế giới. Và chỉ sau một ngày ở nhiều nước, nhân dân đã xuống đường chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam. Những thông tin này cũng nhanh chóng tác động mạnh vào các đô thị ở miền Nam. Nhiều người từ miền Nam sang Pháp đã nói với tôi chính nhờ thông tin từ các nước mà họ mới hiểu rõ được tình hình ở miền Nam, hiểu rõ Mặt trận Dân tộc Giải phóng”.

Ngày 18-1-1969, bốn bên (Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) có phiên họp trù bị, bàn về việc chuẩn bị phiên họp chính thức toàn thể lần thứ nhất vào ngày 25-11-1969. Lúc này rất cần nêu cao vị thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bất ngờ ngày hôm sau, 19-1-1969, cả Paris xôn xao vì trên đỉnh nhà thờ Đức Bà cao 100m xuất hiện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay phấp phới… Nhưng không biết người treo!

P8a.jpg
Ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard chụp hình lưu niệm cùng GS-TS Trình Quang Phú (bìa trái). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Yêu chuộng hòa bình

Ngày 25-3-2023 tại thủ đô Paris, ông Đinh Toàn Thắng (Đại sứ Việt Nam tại Pháp) đã có buổi tiếp ba công dân Thụy Sĩ. Họ là Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff. Các ông đã thuật lại câu chuyện xưa từng tham gia treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà vào ngày 18 và 19-1-1969 nhằm phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam.

Trong chuyến sang thăm Việt Nam, từ ngày 15-11, tại TPHCM, hai thanh niên Bernard Bachelard, Olivier Parriaux treo cờ năm ấy nay đã ở tuổi bát tuần. Nói về việc đấu tranh vì hòa bình cho một đất nước xa xôi, họ không nhận đó là chiến công hay việc làm anh hùng, chỉ đơn giản vì “muốn thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới”.

Theo lời kể của hai ông, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do vợ ông Olivier Parriaux may và được xếp cẩn thận theo cách đặc biệt để khi treo lên, chỉ cần rút một đầu dây là lá cờ tung bay. Ông Bernard Bachelard là người treo lá cờ lên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà và khi xuống, ông đã phá bỏ các bậc thang, vì thế khi cảnh sát muốn tháo gỡ lá cờ phải dùng đến trực thăng.

Là nhà báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm ấy, GS-TS Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông) nhớ lại những giây phút xúc động và trân trọng tình cảm của bạn bè quốc tế khi nhìn thấy lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris.

Ông kể: “Là những người chiến đấu dưới lá cờ Mặt trận, đến từ cuộc chiến đấu ở miền Nam, chúng tôi ai cũng cảm động, vui mừng, phấn khởi. Nước Pháp dù ủng hộ chúng ta cũng phải giữ trung lập. Ai đã treo cờ và làm cách nào, làm sao leo lên đó để treo? Chính quyền Pháp, cảnh sát Pháp cũng không biết. Hàng ngàn ống kính máy ảnh của các nhà báo năm châu, của người dân Paris hướng về lá cờ nửa xanh, nửa đỏ, có sao vàng năm cánh phấp phới trước gió trên đỉnh cột cao vút của Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng. Trong thông cáo gửi tới một tờ báo ở Paris, những người treo cờ cho biết họ không ở tổ chức nào và không để lại danh tánh, địa chỉ. Mục đích của họ là đòi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Chúng tôi thông qua sứ quán, các bạn Pháp và những nơi có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh nhất nhưng không tìm ra tác giả của sự kiện chấn động này. Lá cờ to, chỉn chu từ màu sắc, kích thước, đang lộng gió. Tôi cũng giương máy ảnh để chụp lá cờ mà tay run, tim đập mạnh”.

Sáng 15-11, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard, hai trong ba người bạn Thụy Sĩ (người còn lại là Noé Graff) tham gia cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nóc Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) đã đến TPHCM, bắt đầu chuyến thăm thành phố trong 4 ngày (từ ngày 15 đến 19-11). Chuyến thăm của ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard là hoạt động tri ân của TPHCM đối với những người bạn quốc tế đã ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Việt Nam. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động hướng tới ngày lễ lớn của dân tộc vào năm 2025: Kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối.

Tối cùng ngày, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard tham dự chương trình giao lưu “Chung khát vọng hòa bình” cùng thanh niên thành phố tại Nhà hát VOH. Tại buổi giao lưu, những câu chuyện đấu tranh một thời được các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia, đứng vào hàng ngũ của phong trào phản đối chiến tranh của học sinh, sinh viên miền Nam kể lại với nhiều xúc động. Câu chuyện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris, buộc chính quyền Pháp phải huy động lính cứu hỏa cùng trực thăng để tháo xuống thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Tin cùng chuyên mục