Khi đề cập đến công tác quản lý của ngành GD-ĐT, Thủ tướng Phan Văn Khải - ngay từ Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2002 – đã yêu cầu Bộ GD-ĐT cần đi sâu nghiên cứu, giải quyết vấn đề “ Phân biệt giữa hoạt động quản lý hành chánh về giáo dục của các cơ quan quản lý nhà nước với các hoạt động tác nghiệp của các cơ sở GD-ĐT. Mở rộng đích đáng quyền và trách nhiệm tự chủ của các nhà trường”.
Thời gian qua đi, đến mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2004 này, Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục “ôm” trọn gói công tác tuyển sinh từ việc bán từng bộ hồ sơ đến việc tổ chức thi, chấm thi. Bộ GD-ĐT lẫn lộn các chức năng quản lý về chính sách với các chức năng tác nghiệp của trường đại học hay vì lý do gì khác?
Trong khi Bộ GD-ĐT can thiệp quá sâu vào những hoạt động mang tính tác nghiệp trong công tác tuyển sinh của các trường đại học – cao đẳng thì phần quản lý nhà nước về chính sách của Bộ luôn tỏ ra bê trễ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển trong một văn bản đánh giá tình hình quản lý của ngành đã phải thừa nhận:
Nguyên nhân của những yếu kém trong ngành GD-ĐT, một mặt là do những yếu kém trong quản lý như chậm ban hành các chủ trương chính sách vĩ mô đủ sức định hướng xử lý kịp thời các mối tương quan lớn của giáo dục đại học trong cơ chế mới (số lượng-chất lượng, cung-cầu, chi phí-lợi ích, tập trung-phân quyền). Nhiều văn bản dưới Luật Giáo dục ban hành còn chậm. Công tác thanh, kiểm tra trong giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu...
- Bộ bán được gì trong mùa tuyển sinh?
Thử thống kê trong mùa tuyển sinh năm nay, cho thấy : Trước tiên, với việc phát hành cuốn “Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ” và sau đó là cuốn dành riêng cho khối trung học chuyên nghiệp, chỉ riêng 2 cuốn này đã mang lại cho Bộ GD-ĐT vài tỷ đồng lãi (theo tính toán của các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua). Chính vì giá bán quá cao so với giá thành, nên mới có tình trạng sách lậu với giá bán chỉ bằng một nửa so với giá của Bộâ và nhiều thí sinh tiết kiệm hơn bằng cách mượn bạn về photocopy.
Sau đó, là việc phát hành hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, cũng mang lại món tiền đáng kể. Song, sau việc “độc quyền” này, chuyện gì đã xảy ra? Có năm có tỉnh thiếu hàng ngàn bộ phiếu đăng ký dự thi gây khó khăn cho thí sinh và Sở GD-ĐT địa phương. Năm thì vài trăm thí sinh phải làm lại hồ sơ đăng ký dự thi vì mua nhầm phải bộ hồ sơ không có dấu mộc đỏ của Bộ GD-ĐT.
Đến khi nhập học vào các trường đại học, thí sinh lại phải mua đúng hồ sơ nhập học do Bộ phát hành. Một số trường muốn có các thông tin về sinh viên phù hợp với yêu cầu quản lý của trường, nhưng hồ sơ in sẵn của Bộ không có các mục tương ứng.
Nếu xem xét rộng hơn vào hoạt động hành chánh của các trường đại học, chúng ta dễ thấy: Các trường không được tự thiết kế và ấn hành văn bằng, một số chứng chỉ và nhiều loại giấy tờ, hồ sơ cần thiết cho sinh viên. Tất tần tật đều được Bộ GD-ĐT phát hành và nói theo ngôn ngữ đời thường là “bán”. Các trường phải mua của Bộ từ cái thẻ sinh viên để cấp cho sinh viên đến cả cái tấm giấy chứng chỉ các môn học giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng.
- Bộ “ôm” để thể hiện quyền trong cơ chế xin – cho?
Trong công tác tổ chức thi cử, Bộ cũng điều hành trọn gói. Với tiêu chí 3 chung, ngày thi, đợt thi : Bộ quyết định. Dẫn đến việc hàng năm từ trước Tết các trường đại học đã phải nháo nhào giành nhau chỗ thi từ các trường phổ thông. Đề thi, Bộ lo. Tổ chức thi và coi thi do Bộ quy định và điều hành. Việc xây dựng điểm chuẩn và xét tuyển cũng Bộ chỉ đạo và điều hành. Bàn bạc trong các hoạt động trên đều mang màu sắc xin – cho. Và chuyện gì đã xảy ra?
Năm 2002, để xác định điểm xét tuyển vào trường mình, Hội đồng tuyển sinh của tất cả các trường phải tụ về Hà Nội làm việc dưới sự điều khiển của Bộ, đến nỗi các nhà giáo khi chứng kiến các phiên “trả giá từng điểm” xét tuyển đã phải kêu lên: giống như một phiên chợ chứng khoán!
Năm 2003, Bộ quy định mỗi thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng. Chính phương thức xét tuyển thiếu khoa học đã dẫn các trường đại học đến cảnh trường thiếu, trường thừa chỉ tiêu. Theo thống kê, có 13% trường ĐH và 16% trường CĐ tuyển thiếu 10%-12% chỉ tiêu. Cá biệt, ĐHSP Đồng Tháp thiếu 29%, CĐ cộng đồng Hà Tây thiếu 29% và CĐ cộng đồng Kiên Giang thiếu 59%. Trong khi đó, có 24% trường ĐH và 18% trường CĐ tuyển vượt từ 10%-20%.
Với cung cách làm việc kiểu này, nhiều hiệu trưởng đại học đã phải kêu lên: cả nước là một trường đại học lớn!
- Các nước tuyển sinh ra sao?
Có lẽ câu trả lời này đã được rất nhiều nhà giáo dục, nhà nghiên cứu góp ý khá nhiều trên các diễn đàn giáo dục. Chẳng hạn, ý kiến của PGS.TS Ngô Doãn Đãi, ĐH Quốc gia HN như sau : Ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, những vấn đề tuyển sinh là việc riêng của trường đại học. Mỗi trường có cách tuyển chọn thí sinh, điều kiện tuyển chọn và mẫu đơn tuyển sinh của riêng mình.
Ở Mỹ, các ĐH không tổ chức thi tuyển sinh. Các trường sử dụng kết quả thi của thí sinh trong các kỳ thi SAT hoặc ACT do một công ty dịch vụ trắc nghiệm Nhà nước công nhận. Kỳ thi được tổ chức 2 lần/năm. Các trường kết hợp kết quả thi SAT, ACT của thí sinh với nhiều tiêu chí khác của riêng trường mình để tuyển.
Nhật Bản, các ĐH yêu cầu thí sinh phải dự kỳ thi do Trung tâm Quốc gia trắc nghiệm tuyển sinh ĐH tổ chức. Không chỉ sử dụng kết quả trên, các trường với những yêu cầu riêng mà có thêm các kiểu chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo hơn.
Với phương thức tuyển trên, việc tuyển sinh vào ĐH-CĐ ở các nước khá nhẹ nhàng và chính xác hơn. Trong khi cách tuyển sinh của VN lại nặng nề, kéo theo sự căng thẳng của cả xã hội, nhưng chưa có thông số nào chứng minh các trường chọn đúng bao nhiêu phần trăm sinh viên có tố chất và năng lực phù hợp với ngành nghề mà trường đào tạo. Nhưng lại có một thực tế: dù tuyển chọn ồn ào như vậy, song hiệu suất đào tạo của nhiều trường chỉ còn 50%-60%!
Bộ không tin trường hay trường chưa đủ năng lực tuyển sinh? Nếu chỉ có việc tuyển sinh viên để đào tạo, trường làm không nổi, làm sao nói đến chất lượng đào tạo?
Trong dự án cải tiến phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ mà Bộ GD-ĐT hứa hẹn công bố vào năm 2006, hy vọng Bộ sẽ biết dừng lại, không can thiệp quá sâu vào lãnh vực mang tính tác nghiệp hành chánh của các trường, để tập trung hơn nữa vào việc đềø ra và soạn thảo các chính sách tạo môi trường cho các trường tự vươn lên, đồng thời có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động chuyên môn của các trường đại học.
Bởi song hành với quyền tự chủ, các trường còn phải có trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên và trước toàn thể xã hội. Không ai khác hơn là chính Bộ GD-ĐT phải biết cách giao quyền tự chủ, cũng như biết cách quản lý phần trách nhiệm của trường đại học. Một khi Bộ GD-ĐT nhận thức được đầy đủ vai trò quản lý của mình, giáo dục Việt Nam mới hy vọng hội nhập giáo dục quốc tế.
MAI LAN