Để lọt vào vòng 1 của Trường Amsterdam, học sinh phải có điểm 10 ở hầu hết môn trong 5 năm tiểu học mới có thể vào thi tuyển, trong khi đó Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa mỗi năm tuyển hơn 500 học sinh lớp 6 từ gần 5.000 hồ sơ, thông qua bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Bài thi gồm cả tự luận và trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, khả năng tiếng Anh, Toán, năng lực đọc - hiểu - làm văn của học sinh.
Hiện nay, phần đông phụ huynh có tâm lý muốn cho con vào học trường chất lượng cao ở bậc THCS, THPT. Điều đó kéo theo việc phải luyện thi, học thêm, và có thể tạo ra sự bất bình đẳng của học sinh nghèo và học sinh ở những vùng xa đô thị khó có điều kiện mặc dù các em có năng khiếu. Còn việc luyện thi, học thêm căng thẳng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trẻ.
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, bên cạnh mặt tích cực giáo dục học sinh năng khiếu, phát triển tài năng trong các bộ môn khoa học, thì vấn đề giáo dục nhân cách, lối sống và các mặt văn hóa xã hội thường dễ bị lệch lạc do quá chuyên sâu vào bộ môn khoa học nào đó, còn những vấn đề khác bị ngó lơ. Các nước có nền giáo dục tiên tiến thường có công cụ đo khách quan bên cạnh kiểm tra thành tích, như kiểm tra IQ, kiểm tra tâm lý, phỏng vấn... để giảm bớt những kỳ thi căng thẳng cho trẻ. Trong khi, cách tuyển sinh vào trường chuyên của ta khá đơn điệu, chủ yếu dựa vào thành tích học tập, năng lực thi cử; điều đó chưa đảm bảo chắc chắn người có thành tích cao đã có năng khiếu.
Học tập luôn là nhu cầu của mọi người, vấn đề là địa phương cần đáp ứng những nhu cầu này bằng cách nhân đôi, nhân ba mô hình trường chất lượng cao ngay tại thành phố bằng nguồn ngân sách và nguồn lực xã hội hóa. Mô hình quản trị, đội ngũ giáo viên, chương trình giáo dục, kinh nghiệm quản lý... là những bài học quý báu để phát triển nhân rộng mô hình giáo dục tốt này. Nhờ nguồn cung tăng lên, nhiều người có cơ hội tiếp cận đến trường THCS, THPT chất lượng cao và bớt đi những căng thẳng do tranh đua suất học, khó tránh khỏi những tiêu cực cho cả học sinh và những người liên quan.
Một vấn đề quan trọng nữa, khi xây dựng Luật Giáo dục (và sắp tới đây xây dựng Luật Nhà giáo) cần chú ý kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới khi họ chú trọng giáo dục năng khiếu cho học sinh từ khá sớm (khoảng 8-12 tuổi), đáp ứng nhu cầu đa dạng về phát triển các loại năng khiếu khác về khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, thể thao... mà không chỉ chăm chăm vào các môn khoa học cơ bản hay vài môn khoa học xã hội. Điều này phù hợp với giáo dục nước ta theo định hướng XHCN về cơ hội bình đẳng tiếp cận giáo dục có chất lượng.
Nhu cầu học tập ở trường phổ thông chất lượng cao là nhu cầu chính đáng của người dân, vì vậy các cơ quan chức năng cần quan tâm đáp ứng nhu cầu này. Nhà nước tạo chính sách, cơ chế thông thoáng qua luật pháp, địa phương phát huy sáng tạo, đầu tư nguồn lực đáp ứng nhu cầu đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng đến giáo dục chất lượng cao. Mặt khác, với người dân cũng nên cân nhắc trường chuyên không hẳn là nơi nuôi trồng tài năng, năng khiếu duy nhất mà bằng mọi giá ép con em mình học tập căng thẳng vì thành tích mà ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như những hệ lụy, ảo tưởng không mong muốn sau này.