Nhằm đôn đốc công tác lấy nước xả từ 3 nhà máy thủy điện của EVN về hạ du sông Hồng để đổ ải cho vụ Đông xuân ở miền Bắc, hôm nay (6-2), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đoàn công tác liên ngành đã đi kiểm tra một số trạm bơm đưa nước sông Hồng vào nội đồng tại thị xã Sơn Tây và huyện Quốc Oai – Hà Nội.
Theo thông báo của EVN, hiện các nhà máy thủy điện lớn ở miền Bắc là Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đang tiến hành xả để tăng lượng nước về hạ du cho đồng bằng sông Hồng ở Bắc bộ.
Đến nay (6-2), các thủy điện đã xả được 2 ngày và dự kiến sẽ diễn ra trong 8 ngày của đợt xả thứ 2 này. Theo kế hoạch, còn đợt xả thứ 3 nữa để đảm bảo đủ nước tưới cho đồng bằng sông Hồng.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thời điểm hiện nay, mực nước các hồ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tại miền Bắc, tổng dung tích nước trong các hồ chứa chỉ có khoảng 9,74 tỷ m3, tương đương khoảng 50% dung tích hữu ích. Theo kế hoạch cung cấp điện năm 2020, tình hình cấp điện mùa khô sẽ rất khó khăn. Để đảm bảo đủ điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã huy động tối đa các nguồn điện và phải huy động 4,5 tỷ kWh điện chạy bằng nguồn dầu, khiến chi phí tăng cao.
Vì vậy, việc tiết kiệm nguồn nước cho các hồ chứa thủy điện trong thời điểm này cũng chính là tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho phát điện vào mùa khô sắp tới (cao điểm là tháng 4 và 5).
“Như hiện nay, mỗi ngày các thủy điện đang xả nước xuống hạ du khoảng 200 triệu m3, nếu chúng ta giành lại 100 triệu m3 để phát điện vào mùa khô - khoảng tháng 4 và tháng 5 - giai đoạn chạy dầu để cấp điện cho phụ tải cao, thì tính trung bình cứ 100 triệu m3 sẽ tiết kiệm 700 triệu đồng, 1 tỷ m3 sẽ tiết kiệm 700 tỷ đồng”- ông Hải nói.
Trước nhu cầu thực tế này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ xem xét giảm số ngày lấy nước đợt 2 và tiếp tục thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau đợt 2 sẽ chỉ bổ sung thêm một vài ngày cho phù hợp với thời gian gieo cấy của Hà Nội, và không tổ chức thêm đợt xả nước thứ 3 như các năm trước.
“Trong đợt 2, chúng tôi dự tính nếu lấy nước đổ ải theo kế hoạch là 8 ngày sẽ mất khoảng 2,5 tỷ m3 nước, lượng nước này nhân với giá 700 đồng/m3, với điều kiện để mùa khô phát điện chúng ta đã thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng”- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ.
Vì vậy, Tổng cục Thủy lợi sẽ nghiên cứu và sắp xếp linh hoạt với Hà Nội, không tổ chức đợt xả nước thứ 3 theo như kế hoạch nữa, mà chỉ có thêm 1 đợt phụ từ ngày 19 đến 22-2 theo hình thức bổ sung, phát điện cao hơn một chút để duy trì mực nước ở trạm Phù Sa, đảm bảo cho Hà Nội tưới dưỡng lúa.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, sau 2 ngày xả nước đợt 2, miền Bắc đã đảm bảo đủ nước cho 90% trên tổng diện tích 487.230 ha.
Chiều 6-2, Tổng cục Phòng chống thiên tai và Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cảnh báo, từ ngày 11 đến 15-2 sắp tới, trên sông Cửu Long sẽ xuất hiện mặn cao nhất. Hiện nay, độ mặn trên các sông Nam bộ đang có xu thế tăng dần. Những ngày tới, tình hình xâm mặn tại Nam bộ sẽ rất căng thẳng. Ảnh theo Tổng cục Phòng chống thiên tai Do ảnh hưởng của kỳ triều cường, xu thế xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất là từ ngày 11 đến 15-2 tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây với chiều sâu vào đất liền từ 90-95km; trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại phạm vi xâm nhập mặn là 50-53km; sông Hàm Luông là 71km; sông Cổ Chiên 65km; sông Hậu 61km; sông Cái Lớn 60km. |