“Diễn sâu” kiếm tiền
Đang cùng nhóm bạn đi xe máy trong một con hẻm ở đường Lê Văn Việt (quận 9, TPHCM), chị Nguyễn Thị Kiều Tiên thấy phía trước một người đàn ông có vẻ hoảng loạn đang khóc mếu máo, trên tay cầm sổ dò vé số. Đã chạy xe qua một đoạn, thấy thương cảm, ái ngại, chị Tiên và nhóm bạn quay xe lại hỏi thăm.
Chị kể: “Khi chúng tôi đến gần, thấy người đàn ông đó ú ớ, nghẹn ngào không nói được. Ổng khóc tức tưởi, đưa cuốn sổ dò và vài tờ vé số còn sót lại huơ lên cho chúng tôi hiểu là vừa bị giật mất. Thấy xót, tôi cho ông ấy 100.000 đồng, bạn tôi cũng gửi thêm 50.000 đồng. Thế nhưng, vài ngày sau, khi lướt Facebook, tôi sững người khi thấy một status đăng thương cảm về trường hợp người đàn ông vừa bị giật vé số. Đó cũng chính là người đàn ông chúng tôi đã gặp, nhưng với trang phục khác, bị giật vé số trong ngày khác và ở con đường khác, tận quận 10. Đọc qua các dòng bình luận, có người cho hay cũng đã thấy người này kêu khóc vì bị giật vé số vào một ngày khác ở quận 3. Lúc này tôi mới xác định mình bị lừa. Cho đi 100.000 hay 200.000 đồng để giúp đúng người hoạn nạn thì chẳng ai tiếc, nhưng cho nhầm kẻ lừa bịp, lợi dụng lòng trắc ẩn thì tức thật”.
Cũng giống chị Tiên, anh Lê Anh Đức (ngụ quận Gò Vấp) phản ánh: “Khi đi ngang góc đường Út Tịch và Cộng Hòa (quận Tân Bình), thấy một người đàn ông dáng gầy gò, ngồi dựa vào tường ôm bụng có vẻ rất đau đớn, thấy vậy nên tôi ghé vào hỏi thăm. Nghe người đàn ông than đang bị đau nặng mà trong túi không còn tiền, nên tôi gửi 100.000 đồng. Vài ngày sau, đi ngang lại đoạn đường này, tôi thấy ở ngay chỗ đó có mấy người đang xúm lại hỏi han, giúp xoa dầu, cạo gió cho một người đàn ông, ân cần cho tiền để đón xe về nhà. Nhận ra đúng là người đàn ông hôm trước, tôi liền hỏi thăm bà bán nước gần đó, mới hay người đàn ông ấy thường diễn cảnh đau đớn, quỵ ngã bên đường để chờ có người cho tiền. Việc “diễn sâu” đánh vào lòng thương người, thật quá đáng!”.
Mới đây, một phụ nữ ở xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi, TPHCM) bị phát hiện diễn cảnh ngất xỉu giữa đường khi trời nắng chang chang để được mọi người giúp đỡ.
Anh Phan Thanh Tùng, Đội trưởng Câu lạc bộ SOS Củ Chi, cho hay: “Người phụ nữ này chuyên giả xỉu để được cho tiền. Mới hôm qua phát hiện bà này diễn cảnh đó ở TP Vũng Tàu, nay về huyện Củ Chi diễn tiếp. Chiêu trò của bà này là đi bộ loạng choạng một đoạn rồi ngã xuống đường, có người tới đỡ, thì nói hết tiền nên bị nhà xe nào đó đuổi xuống, không cho đi nữa”.
Ăn xin xuống đường
Còn gần 3 tháng nữa đến Tết Nguyên đán, người ăn xin lại xuất hiện nhiều hơn trên các tuyến phố ở TPHCM. Tại đường Mai Chí Thọ, gần vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), cứ lúc dòng xe dừng khi đèn đỏ, là có nhóm trẻ ăn xin tràn xuống lòng đường ngửa nón ra xin tiền. Ngay đoạn giao nhau giữa cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đường Mai Chí Thọ, vài đứa trẻ lao ra giữa làn ô tô, gõ cửa từng chiếc một năn nỉ xin tiền.
Gần đó, ở ngã tư Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống có đến 5 - 6 đứa trẻ nằm vạ vật, chực chờ người qua lại có lòng nhân ái. Thường nơi đây có một phụ nữ ôm đứa trẻ ngồi trên vỉa hè, dưới trời nắng gắt, luôn miệng xin: “Anh chị ơi! Con em bị bệnh không có tiền mua thuốc, khóc suốt. Mẹ con em ở quê mới lên, anh chị thương giùm”.
Ông T.V.T., chạy xe ôm gần khu vực này, cho hay: “Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều trẻ ăn xin đến ngồi chực chờ từ rất sớm. Mấy đứa nhỏ da đen nhẻm, gầy tong teo; đứa lớn bồng bế đứa nhỏ, trông rất tội nghiệp, để lấy lòng thương hại của người đi đường. Biết rõ có kẻ chăn dắt bóc lột trẻ em, nhưng nhiều người qua đường thấy thương hại nên vẫn cho tiền. Việc bảo kê, chăn dắt, tổ chức ăn xin bằng cách bóc lột người già yếu, trẻ em thực sự là tội ác”.
Dưới cầu vượt Cát Lái (quận 2) cũng là nơi tập trung các cụ già ăn xin và người giả làm nhà sư khất thực. Những hình ảnh tương tự cũng diễn ra tại các cửa ngõ thành phố, giao lộ và các tuyến đường lớn như Trường Chinh, mũi tàu Cộng Hòa (quận Tân Bình); Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội (quận 2); Cao Thắng (quận 3); Nguyễn Văn Cừ, An Dương Vương (quận 5); Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh (quận 7); Hồng Bàng (quận 11)…
Trước các bệnh viện, công viên và chùa Phước Hải (quận 1), Việt Nam Quốc Tự (quận 10), Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè)… cũng xuất hiện nhiều người ăn xin. Để trá hình, dễ dàng trục lợi, có người không chìa tay xin tiền ngay, mà giả bán vé số, kẹo cao su, tăm bông... dưới bộ dạng tật nguyền, áo quần rách rưới. Bán được hàng hay không thì vẫn “xin thêm” tiền. Các chiêu trò này đánh trúng lòng trắc ẩn, lại có thể dễ dàng chối cãi nếu bị tập trung đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Tại TPHCM, công tác đưa người ăn xin vào các cơ sở bảo trợ xã hội đã được tiến hành nhiều lần, nhiều đợt trong năm, nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ dĩa”. Sau đợt cao điểm, người ăn xin lại xuất hiện và đông dần trong thời điểm cuối năm.
Việc giải quyết nạn “cái bang” tại đô thị lớn như TPHCM là không dễ dàng. Nhưng nếu không làm thường xuyên thì vấn nạn này vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng trầm trọng hơn. Chính quyền các cấp cần chủ động rà soát khu dân cư tập trung, có nhiều người tạm trú để phát hiện, xử lý việc chăn dắt, tổ chức ăn xin để trục lợi.
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, khi phát hiện những trường hợp ăn xin, sinh sống nơi công cộng, người dân có thể phản ánh tới đường dây nóng 028.38.292.419 của Phòng Bảo trợ xã hội (giờ hành chính), 0982.838.987 (hoạt động 24/24) và 028.35.533.258 của Trung tâm Hỗ trợ xã hội (hoạt động 24/24 giờ). |