Sau khi chờ kết quả giám định thiệt hại, xác định giá trị khối lượng gỗ bị khai thác, công an huyện sẽ quyết định khởi tố vụ án nếu đủ điều kiện.
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên báo cáo, do ảnh hưởng của bão số 12 (đầu tháng 11-2017), nhiều cây rừng tại tiểu khu V9.2 xã Sơn Thành Tây, bị bật gốc, ngã đổ, thiệt hại trên diện tích khoảng 97ha. Vùng rừng này do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tây Hòa quản lý. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Phú Yên đã xin ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp về việc tận thu số gỗ rừng bị ảnh hưởng trên, tránh thất thoát lâm sản và cháy rừng vào mùa khô.
Tháng 3-2018, sau khi có chủ trương, BQLRPH huyện Tây Hòa đã thuê nhân công, máy móc triển khai thu gom gỗ. Tuy nhiên, việc thu gom gặp nhiều bất cập, sai phạm khó hiểu. Đặc biệt, cùng thời điểm này, nhiều đối tượng khác đã dùng phương tiện, máy móc vào rừng “xẻ thịt” luôn cả gỗ rừng không bị ảnh hưởng, đường kính lên đến 50 - 60cm, đem ra khỏi rừng bán (?).
Theo ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, qua kiểm tra, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa đã xác định khoảng 490 cây gỗ đường kính 10-60cm bị khai thác trái quy định.
“Theo quy định, nếu cố tình khai thác trên 20m3 gỗ thì phải xử lý hình sự. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy khối lượng gỗ khai thác lớn, có dấu hiệu tội phạm nên chuyển cơ quan công an để điều tra, xử lý. Qua đó, sẽ làm rõ BQLRPH huyện Tây Hòa thiếu trách nhiệm hay thông đồng để khai thác”, ông Bé cho biết.
Cùng ngày, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, sở này vừa có văn bản gửi Sở TT&TT tỉnh Phú Yên để cung cấp thông tin cho báo chí. Theo văn bản này, BQLRPH huyện Tây Hòa chỉ khai thác tận thu 43 lóng gỗ dầu, sao với tổng khối lượng gần 9m³; Sở NN-PTNT cũng cho rằng lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của BQLRPH nên nhiều người vào rừng khai thác, tận thu trái phép.