Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, LPB vẫn đạt kết quả khả quan bất chấp bối cảnh thị trường tài chính trong và ngoài nước có nhiều biến động. Theo đó, thu nhập lãi thuần gần như đi ngang, không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ, đạt 2.772 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn dương, đạt 867 tỷ đồng (tăng 3,8%), lãi sau thuế ghi nhận 668 tỷ đồng, tăng 3,6%.
Việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động và sự hiệu quả của mảng dịch vụ là điểm đáng chú ý trong báo cáo kết quả kinh doanh của LPB quý IV vừa qua. Cụ thể, thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong kỳ của ngân hàng đạt 1.106 tỷ đồng, lãi thuần từ mảng này đạt 882 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với cùng kỳ (tăng gấp 2,8 lần). Trong khi đó, chi phí hoạt động tiết giảm được gần 258 tỷ đồng còn 1.507 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để ngân hàng có nguồn lực hỗ trợ khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Khép lại năm 2022, LPB đạt 5.690 tỷ đồng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế và 4.510 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 56% và 57% so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng từ 2.135 đồng của năm 2021 lên 2.671 đồng trong năm 2022.
Trong năm 2022, cơ cấu tín dụng của LPB chuyển dịch theo hướng bán lẻ, với tỷ trọng bán lẻ chiếm hơn 65% tổng tăng trưởng tín dụng năm. Cùng với việc duy trì các hoạt động lõi của ngân hàng, LPB đẩy mạnh dịch vụ bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số…
Hiện LPB là một trong những ngân hàng TMCP có mạng lưới lớn nhất cả nước. Nhờ việc khai thác độc quyền trên hệ thống phòng giao dịch bưu điện của VNPost, kết hợp với chiến lược phát triển các kênh giao dịch trực tuyến - LienViet24h, LPB là một ngân hàng bán lẻ phát triển nhanh nhất Việt Nam 2022 do Tạp chí Global Business Outlook ghi nhận năm 2022.
Có thể nói, khi thị trường đô thị cạnh tranh khốc liệt, thị trường nông thôn sẽ là địa bàn tiềm năng mà nhiều ngân hàng nhắm đến trong thời gian tới. Với nguồn tiền gửi giá rẻ và bền vững, khu vực nông thôn nơi mà dư địa bán lẻ còn rất lớn sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng có cơ hội cải thiện lợi nhuận, thêm dư địa tài chính hỗ trợ khách hàng.
Cơ cấu nguồn vốn của LPB trong năm 2022 nhìn chung được cải thiện đáng kể với sự gia tăng của vốn điều lệ, nguồn vốn trung, dài hạn… Ngân hàng cũng rất chú trọng trong việc thực hiện đánh giá mức độ đủ vốn (ICAAP) đảm bảo quản lý vốn an toàn, hiệu quả thông qua việc sử dụng các công cụ mô hình tính toán hiện đại. Cũng trong năm vừa qua, LPB đã hoàn thành triển khai dự án Basel III góp phần từng bước nâng cao năng lực tài chính và trình độ quản trị rủi ro tiệm cận theo chuẩn quốc tế.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng dự báo lợi nhuận sau thuế của LPB năm 2023 thêm 5,6%, lên 5.100 tỷ đồng (tăng 13,1% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ thu nhập từ lãi (NII) tăng 4% do điều chỉnh tăng 14 điểm cơ bản trong dự báo NIM và giảm 9,5% chi phí hoạt động/kinh doanh.