Ngày thành phố siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch, cũng là lúc bếp ăn thiện nguyện ở chung cư tôi hết sạch rau củ. Có hôm, mấy chị bếp nấu món canh chỉ cho bột canh và lơ thơ vài chút hành lá.
Chợt nhớ tới chị, tôi liền điện thoại… nhờ chị đi chở giúp. Khi chị chạy xe gần 20km đi lấy rau củ, thực phẩm về cho bếp, cậu em hay chơi chung nhóm hỏi, chị nghĩ sao mà điện thoại diễn viên nổi tiếng mang xe sang đi chở gạo với nước mắm, rau, đồ vậy? Tôi bật cười. Thì cứ nhờ thôi mà, được thì tốt, không được thì cũng không sao.
Tôi luôn tin điều tốt đẹp có sức mạnh lan tỏa. Và vì thế, tôi vẫn nghĩ chị diễn viên tốt bụng, mà dù chưa có dịp trò chuyện, tôi tin chị sẽ giúp khi mình mở lời. Dù biết trước sẽ được chị giúp, nhưng khi nhìn chị diễn viên mà mình vẫn yêu quý qua từng vai diễn khệ nệ ôm thùng nước mắm từ “xe sang” ra, tôi vẫn thấy rưng rưng xúc động.
2. Hôm kia, khi chạy xe qua Nhà Bè chở thanh long của chị bạn tặng bếp và trẻ em bên khu tôi ở, tôi “tham lam” nhận tới 4 bịch to kềnh. Mỗi bịch hàng chục trái, phát mỗi hộ 2 trái thanh long thì đã có thêm hơn 20 hộ được nhận quà. Hai trái thanh long bình thường mua đâu cũng có, nhưng trong những ngày “ai ở đâu thì ở đó”, có khi đặt 3, 4 ngày sau vẫn chỉ nhận được lời xin lỗi vì nhà cung cấp quá tải. Trong khu tôi ở, có những dãy trọ công nhân, trẻ em, bà bầu, bà đẻ cả tháng qua không có một miếng trái cây tráng miệng thì việc bớt lại trái cây lúc này khiến tôi không đành lòng.
Con đường chỉ chưa tới 10km nhưng chở hàng trăm trái thanh long bằng “con xe máy còi” khá vất vả. Đi một đoạn lại phải dừng lại kiểm tra xem túi có bị nghiêng, bị lệch hay không. Gặp chốt kiểm dịch, nhờ các anh em canh chốt buộc lại hộ cho chắc chắn để yên tâm chạy tiếp. Mấy hôm trước, khi chở sữa và đồ y tế mạnh thường quân tặng các bé và trạm quân y, tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khi bạn công an canh chốt buộc lại đồ xong, dặn: “Chị đi đường cẩn thận nhen” thì thấy xe mình đã nhẹ đi một nửa nhờ em ấy rồi.
3. Chị Hoàng Hiền, một mạnh thường quân là giáo viên một trường cấp ba có tiếng, trêu tôi: “Chị em mình sống trong cái thời mà nhà giáo, nhà văn, nhà báo, diễn viên…, ai ai cũng có thể trở thành shipper”. Quả thật, trong đội “shipper” và “bốc vác” nơi chung cư tôi ở, người là giám đốc doanh nghiệp, người là kế toán trưởng, nhà báo, nhà văn… Trước dịch chỉ có vài ba người quen biết nhau, qua mùa dịch tự nhiên kết nối lên tới cả đội, từ những công việc sẻ chia, thiện nguyện.
Nhưng, tôi thương yêu những ngày bận bịu này, những ngày tôi được đi trên con đường xuất phát từ trái tim.