Rất nhiều người đã khen ngợi Kanae Minato - nữ nhà văn Nhật Bản nổi tiếng với những tiểu thuyết tội phạm, khai thác góc tối của con người - về nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật hay cách xây dựng tình tiết, lối tự sự đan xen. Tuy nhiên, bài viết này xin đề cập về một vấn đề trong tác phẩm vừa ra mắt tại Việt Nam, Những đứa trẻ bị mắc kẹt (I love books vừa NXB Thế Giới), đó là việc giáo dục con trong thời thơ ấu, quan trọng nhất là sự giáo dục của gia đình mà trực tiếp là từ cha mẹ.
Ngay ở nhan đề sách đã nói rất rõ vấn đề này: Những đứa trẻ bị mắc kẹt. Đó là những người trưởng thành không thoát được đứa trẻ bên trong mình, bị đứa trẻ chế ngự. Bị “mắc kẹt”, những đứa trẻ mới cô đơn làm sao, bế tắc biết chừng nào! Dường như chẳng ai nhận ra, để ý xem những đứa trẻ đó đã trải qua những ngày tháng như thế nào.
Không hiểu sao, khi đọc nhan đề sách, trong đầu tôi hiện rõ hình ảnh một đứa trẻ đang vật lộn với cuộc sống đầy rẫy bất trắc, vượt quá khả năng chịu đựng của chúng. Một đứa trẻ bị tuột chân rơi xuống hố sâu, không gian nhỏ hẹp, đầy rẫy côn trùng, bóng tối ập đến, tiếng kêu cứu, gào khóc của em va vào vách hố, ném trả lại em trong hoang mang tột độ, sợ hãi tột cùng. Không ai đi tìm em. Người đi ngang qua có thoáng nghe thấy cũng thờ ơ vì cho rằng mình nghe nhầm.
Cho đến khi đọc hết cuốn sách, tôi không khỏi chững lại thật lâu.
Đó là đứa trẻ bị mắc kẹt bởi những kỳ vọng của người mẹ, rằng em phải trở thành một người giáo viên tuyệt vời như người bố đã mất của em. Bà mẹ không cần biết em thực sự khao khát trở thành nhà văn đến mức nào. Đó là cô bé có người mẹ dạy con mình trở thành người tốt bằng cách bắt em phải luôn xin lỗi đối phương, chịu thiệt về mình, dù trong tình huống nào - kể cả khi người tổn thương, ấm ức là em và đối phương sai mười mươi. Đó là cậu bé bị người mẹ đơn thân bỏ rơi trong chuỗi ngày dài của kỳ nghỉ mà không để lại chút thức ăn dự trữ nào và ký ức tuổi thơ của chàng trai trưởng thành ấy là một cậu bé bị bạo hành với những năm tháng đầy bất hạnh...
Các bậc cha mẹ có bao giờ để ý để tránh cho con không phải tiếp xúc với những thương tổn về tinh thần như một cú sốc, một ký ức, sẽ trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng mãi về sau? Các bậc cha mẹ có bao giờ nhìn nhận con mình như chính bản thân chúng, hay chỉ đang nhìn nhận con cái với đứa con mà bản thân mình mong muốn và tưởng tượng? Các bậc cha mẹ có thực sự yêu thương con vô điều kiện, làm tất cả mọi điều vì con, hay là đang cố “chi phối” con theo hướng đi mà mình kỳ vọng một cách ích kỷ?
Tuổi thơ của con người vô cùng quan trọng và sự quan tâm lớn nhất của một đứa trẻ là thái độ, tình cảm từ cha mẹ đối với chúng. Đó là giai đoạn mà con người có khả năng ghi nhớ nhanh nhất, bền vững nhất và chính những ký ức này ảnh hưởng trực tiếp đến hình thành nhân cách con người khi trưởng thành. Xã hội sẽ giáo dục bổ sung để có một con người hoàn chỉnh, nhưng gốc gác dạy dỗ từ gia đình mới thực sự là nền tảng của mỗi người.
Mọi đứa trẻ đều xứng đáng được yêu thương và nuôi dạy trực tiếp từ cha mẹ, cũng như con người mà chính bản thân chúng sẽ trở thành. Người trưởng thành nào cũng có một đứa trẻ bên trong mình, nhưng để có thể trò chuyện, đối diện, chữa lành đứa trẻ đó, rất cần sự thấu hiểu và phương pháp đúng từ gia đình.