Trong tuyên bố chung, Mỹ và EU nhấn mạnh, hai bên đã có các bước đi để thiết lập lại dòng chảy thương mại xuyên Đại Tây Dương đối với các mặt hàng thép và nhôm, cũng như giải quyết những thách thức trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề thương mại của EU, ông Valdis Dombrovskis, khẳng định, thỏa thuận là một bước đi quan trọng đúng hướng, nhưng chưa giải quyết hoàn toàn tranh cãi giữa hai bên về vấn đề này.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, với thỏa thuận này, Mỹ và EU mở ra “một kỷ nguyên mới hợp tác xuyên Đại Tây Dương”, mang lại lợi ích cho người dân ở cả hai bên hiện tại cũng như trong tương lai. Thỏa thuận đạt được sẽ có hiệu lực trong 2 năm.
Theo đó, các mức thuế quan mà Mỹ áp dụng với các sản phẩm thép và nhôm của châu Âu dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn giữ nguyên song chỉ áp dụng đối với các sản phẩm thép và nhôm vượt quá hạn ngạch quy định. Để được miễn thuế, các mặt hàng nhôm và thép phải được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ các nước thành viên EU. Đổi lại, Ủy ban châu Âu rút quyết định áp mức thuế 50% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ…
Theo các nhà quan sát quốc tế, thỏa thuận này phù hợp với quan điểm chính sách làm mới quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác cũng như đưa nước Mỹ “trở lại với thế giới” của ông Joe Biden. Đây vừa là bằng chứng khẳng định ông Joe Biden thật sự coi trọng mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Âu, vừa giúp thể hiện rõ hơn sự khác biệt so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Nguyên do quan trọng khác nữa là bảo hộ thương mại cũng khiến cả hai phía đều chịu tổn hại vì các biện pháp trả đũa của nhau.