Lợi bất cập hại với Mỹ?

Mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu là động thái mới nhất trong nỗ lực không ngừng của Tổng thống Donald Trump nhằm cải tổ mối quan hệ thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới, đồng thời thúc đẩy sản xuất và việc làm của ngành thép trong nước.

Hiện Canada và Mexico là những nước nhập khẩu thép lớn nhất vào Mỹ. Theo giới chuyên gia, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu gần như hoàn toàn giống với bước đi ông từng làm dưới nhiệm kỳ đầu, đồng thời dự báo các hệ quả lợi bất cập hại tiếp theo.

Áp thuế chắc chắn khiến các đồng minh của Mỹ như Canada, Mexico, hai nước cung cấp chủ chốt hàng kim loại nhập khẩu cho Mỹ, rúng động. Ông Stephen Moore - thỉnh giảng cấp cao tại The Heritage Foundation và là cố vấn lâu năm của ông Trump - thừa nhận thuế cũng có thể nguy hiểm nếu làm leo thang căng thẳng thương mại với các đối tác như Canada; cũng có thể kích hoạt trả đũa nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, khiến nhiều ngành công nghiệp nội địa Mỹ sử dụng kim loại để chế tạo ô tô, đóng gói đồ hộp và nhiều mặt hàng khác bất bình.

L5b.jpg
Gián đoạn nguồn cung thép có thể gây ảnh hưởng đối với các ngành công nghiệp khác của Mỹ. Ảnh: The Washington Post

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những biện pháp Mỹ áp dụng có tác động tích cực đến DN chế tạo sắt thép, nhưng về cơ bản lại gây hại cho nền kinh tế do làm tăng giá thành đối với các ngành công nghiệp khác. Nhóm chịu tác động tiêu cực lớn nhất là các công ty chế tạo máy, phụ tùng ô tô, công cụ cầm tay. Tựu trung lại, những ngành tiêu thụ sắt thép ghi nhận mức sụt giảm sản lượng trị giá 3,48 tỷ USD do tác động của thuế, nhiều hơn mức giá trị mà ngành công nghiệp sắt thép Mỹ thu được.

Tuy nhiên, ông Chad Bown, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), đặt câu hỏi liệu chính quyền Tổng thống Trump cuối cùng sẽ lại áp dụng điều khoản miễn trừ với một số nước, hoặc một số ngành khỏi bị áp thuế hay không? Thực tế là trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump áp thuế với nhôm, thép trên phạm vi toàn cầu, khiến nhiều đồng minh như Mexico, Canada và Liên minh châu Âu tức giận. Sau đó, ông đạt thỏa thuận với Australia, Hàn Quốc và Brazil; rút lại một phần rào cản thuế với Mexico, Canada sau khi hai nước láng giềng cùng Mỹ ký USMCA.

Lần này cũng vậy, ngày 11-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý xem xét miễn thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Australia. Quyết định được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Mỹ với Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ông Trump cho biết thặng dư thương mại giữa hai nước là yếu tố quan trọng khiến ông xem xét việc miễn thuế, đồng thời nhấn mạnh rằng Australia là một trong số ít quốc gia mà Mỹ duy trì thặng dư thương mại.

Các chuyên gia phân tích cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng thuế quan như một vũ khí để đạt được nhượng bộ về mọi thứ, từ thương mại đến nhập cư và buôn bán ma túy, có thể sẽ định hình lại các chuẩn mực thương mại toàn cầu. Bà Christine McDaniel, một chuyên gia tại trung tâm Mercatus, cũng nhấn mạnh thuế quan đơn phương sẽ làm đảo lộn thương mại toàn cầu và làm thay đổi suy nghĩ về vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như các quy tắc thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại.

Tin cùng chuyên mục