Một hoạt động kinh doanh không được Nhà nước thừa nhận - tiền ảo - vậy mà vừa qua có hàng ngàn người tham gia đầu tư với số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng. Một con số khủng. Giá mỗi đồng tiền ảo mua bằng 1,6 USD và luật chơi là cho người chủ cuộc chơi nắm, chẳng hiểu tại sao vẫn có nhiều người bỏ tiền ra mua (?!). Chắc hẳn là vì lợi nhuận. Số lời được hứa trả đến 48%/tháng, cùng nhiều ưu đãi khác, như được mua nhà, định cư nước ngoài, dùng tiền ảo thanh toán…
Đây không phải là trường hợp mới, mà trước đây đã từng có nhiều người đầu tư sàn vàng chui, tham gia đường dây bán hàng đa cấp… cũng đều mong muốn lợi nhuận cao. Và đâu chỉ bây giờ, và đâu chỉ ở Việt Nam, trước đây, các hoạt động kinh doanh “ảo” như mua đất trên mặt trăng cũng “lợi nhuận khủng”, cũng thu hút nhiều người tham gia. Giờ nhìn lại, các cuộc kinh doanh “ảo” này đều cùng một nguyên tắc chung là: Lời ảo, lỗ thật!
Mô hình đa cấp, tiền ảo, đất ảo… đều xuất phát từ một nhóm người với một kỹ thuật chơi câu kéo, tạo lợi nhuận khủng và cuối cùng là… sập bẫy! Chủ đầu tư bày ra luật chơi, tự bán ra và cho người của mình là mồi mua để tạo giá ảo, tạo lợi nhuận khủng, nhử nhiều người tham gia. Khi giá cả đạt đến mức “ảo hoàn hảo” thì buông! Đương nhiên, khi đó món hàng như cục lửa than, ai nắm lâu sẽ bỏng. Những người buông kịp có lời, những người nắm giữ bỏng tay và khi chủ đầu tư đã tháo chạy thì người chơi trở thành nạn nhân.
Quy luật đơn giản thế nhưng được lặp lại nhiều nơi, nhưng sở dĩ nhiều tổ chức vẫn lừa đảo được là vì họ đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người. Chỉ cần thấy lãi suất cao là đầu tư, dù không có chút kiến thức trong lĩnh vực đầu tư. Tiền ảo, vàng ảo, không được nhà nước công nhận thì đương nhiên cũng không được pháp luật bảo vệ, nhưng cũng vì lợi nhuận cao mà tham gia. Trong khi, trên thực tế, có người nào thành công mà không có nền tảng kiến thức vững chắc (dù không được đào tạo qua trường lớp thì ít nhất, muốn làm chủ hãng vận tải, phải bắt đầu là người lơ xe; muốn làm chủ nhà hàng, phải xuất phát từ anh bồi bàn…).
Dù nguyên tắc kinh doanh là “lời càng cao thì rủi ro càng lớn” nhưng lòng tham chính là điểm yếu để những kẻ lừa đảo tấn công nên cứ đưa ra lợi nhuận khủng là sẽ có người tham gia. Đó là lý do, ngày nay những dự án “làm giàu thông minh”, những khóa học ngắn hạn đã đánh vào lòng tham con người. Trong khi đó, không có cái giàu nào bằng “một bước lên mây” cả. Một bài giảng, một khóa học ngắn hạn thì không thể biến một người bình thường trở thành tỷ phú được. Còn nhớ năm trước không ít bạn trẻ đã ra phố Nguyễn Huệ gào giữa đám đông rằng, năm sau mình sẽ trở thành tỷ phú. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy xuất hiện tỷ phú nào trong số đó!
Rõ ràng, muốn làm giàu cần một quá trình đầu tư cả thể lực và trí lực. Nếu không, nhiều người tự biến mình thành nạn nhân của các dự án lừa đảo!