Theo đó, tác phẩm dự thi của tác giả Nguyễn Ngọc Huy Mẫn (Đà Nẵng) được chọn làm logo chuẩn cho kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 năm 2018 tại Việt Nam.
Logo Olympic Vật lý châu Á được cách điệu từ thỏi nam châm (một biểu tượng trong bộ môn Vật lý) với các mảng khối liên kết tạo hình thành hoa sen đang nở; tạo hình với đường nét kết nối linh hoạt, hướng lan tỏa và chuyển động thể hiện cho quy mô của kỳ thi Olympic Vật lý châu Á.
Ngoài ra, thỏi nam châm cách điệu còn có hình chữ V mang ý nghĩa của Việt Nam - nước chủ nhà, chiến thẳng và vinh quang (Victory), tất cả biểu thị cho sự thành công, thành đạt của các em học sinh, nơi chắp cánh tài năng cho tương lai. Ngôi sao năm cánh tỏa sáng ở trung tâm như điểm nhấn về nước chủ nhà Việt Nam, nước đăng cai kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2018.
Phông chữ cũng được thiết kế nhẹ nhàng, uyển chuyển tạo sự gắn kết và hài hòa cho tổng thể logo.
Về màu sắc, logo được thể hiện nhiều màu, lấy cảm hứng hòa trộn giữa sự giàu có về thiên nhiên và văn hóa con người Việt Nam, những mảng màu giao thoa nhau thể hiện sự sống động của một logo mang tầm quốc tế. Các gam màu được bổ trợ lẫn nhau tạo nên sức hút cho logo.
Cùng với giải nhất này, tác giả Trần Thị Thanh Thủy đến từ Nam Định và tác giả Lê Ngạt đến từ TPHCM lần lượt đạt giải nhì và giải ba.
Olympic Vật lý châu Á (APhO) là kỳ thi Vật lý dành cho học sinh THPT dưới 20 tuổi của tất cả các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được tổ chức thường niên từ năm 2000. Việt Nam đã chính thức tham dự APhO từ những năm đầu của cuộc thi và luôn được đánh giá cao.
Năm nay, Việt Nam là nước chủ nhà của APhO lần thứ 19. Bộ GD-ĐT giao Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức APhO 2018.