Chưa xứng tầm
ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải chủ yếu: đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không, đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của vùng.
Tuy nhiên, vấn đề liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong vùng.
Chính điều này đã làm cho chi phí logistics tăng cao. Hiện nay, trên 85% cảng, bến của các cảng biển ở ĐBSCL có quy mô rất nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container.
Toàn vùng có 32 cầu bến cảng biển, nhưng chỉ có 6 cảng có khả năng khai thác dịch vụ bốc xếp container, trong đó có 3 cảng ở TP Cần Thơ.
Thời gian qua, nhiều hãng tàu biển quốc tế ngần ngại đến các cảng biển ở ĐBSCL vì sợ chi phí vận tải tăng, do lúc đến có đầy hàng để chở nhưng lúc về không có đủ hàng hoặc ngược lại.
Theo ông Nguyễn Thanh Hân, Tổng Giám đốc Gennuine Partner Group, để phát triển logistics tại TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, chính sách thu hút đầu tư rất quan trọng. Đồng thời, phát triển logistics không chỉ có cảng biển mà cần có sự phối hợp giữa hải quan, kho bãi, các dịch vụ khác có liên quan như cần có trung tâm kiểm định chất lượng hàng hóa… Tất cả đều được phát triển và kết nối đồng bộ.
Cần tháo gỡ nút thắt
Hiện nay, hoạt động logistics tại ĐBSCL mới chỉ trong giai đoạn đầu của phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp - thế mạnh của vùng.
Theo các chuyên gia, chỉ cần giảm được 1% chi phí logistics thì mỗi năm, vùng ĐBSCL sẽ tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: “Trước xu thế hội nhập, cạnh tranh quốc tế và nhu cầu lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa qua khu vực ĐBSCL ngày càng tăng, cần có hệ thống logistics hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảm chi phí nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong vùng. Thời gian qua, phần lớn các loại hàng hóa của vùng ĐBSCL phải trung chuyển lên các cảng ở miền Đông Nam bộ để xuất khẩu, chi phí tăng thêm ít nhất khoảng 10 USD/tấn”. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), cho rằng: “ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, có vai trò quan trọng phát triển kinh tế quốc gia. Do vậy, cần đẩy mạnh phát triển logistics để tạo thuận lợi cho giao thương và nâng cao được sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trong vùng”.
Để thúc đẩy logistics của vùng ĐBSCL phát triển, nhiều doanh nghiệp kiến nghị chính quyền các địa phương và Trung ương cần quan tâm tháo gỡ kịp thời nút thắt về “vận tải lớn” cho vùng.
Cụ thể, đầu tư mở các chuyến bay vận tải để khai thác tốt sân bay quốc tế Cần Thơ; đầu tư, nâng cấp hạ tầng đường bộ để đảm nhận tốt hơn việc vận tải hàng hóa, sớm mở đường sắt về ĐBSCL…
Theo nhiều doanh nghiệp, 3 thành tố quan trọng của logistics là vận tải lớn, hạ tầng bến bãi và dịch vụ hậu cần. Nếu giải quyết tốt được nút thắt về vận tải lớn, các khâu còn lại sẽ được thúc đẩy phát triển.
Chính phủ và các bộ ngành Trung ương chủ trương đồng ý quy hoạch, cho xây dựng một trung tâm logistics hạng 2, cấp vùng đặt tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ). Quy mô dự kiến tối thiểu 30ha vào năm 2020 và phát triển 70ha vào năm 2030, phục vụ TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau. Để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Công thương xin điều chỉnh quy mô dự án xây dựng trung tâm logistics hạng 2 tại Cần Thơ từ 74ha lên 242,2ha và cũng đã được Trung ương đồng ý. Hiện Sở Công thương TP Cần Thơ đang khẩn trương thực hiện xây dựng quy hoạch cụ thể để triển khai. Dự kiến trong quý 1 và 2-2019, sẽ hoàn thành quy hoạch và tiến hành triển khai các bước tiếp theo, mời gọi các nhà đầu tư… |