Đặc biệt, trong cấu thành chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm tới 50%. Ngoài ra, để làm thủ tục tại văn phòng của hãng tàu, đại lý giao nhận… các doanh nghiệp còn phải tốn chi phí, thời gian…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), so với cách đây 2 năm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải đã tăng lên đáng kể và hiện chiếm 40% - 50%; còn doanh nghiệp sử dụng phần mềm chỉ từ 15% - 20%.
Từ thực tế trên, cộng đồng doanh nghiệp TPHCM kiến nghị cùng với những cơ chế, chính sách của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý Nhà nước, VLA cần giúp các doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ bằng cách tạo ra các dịch vụ hiện đại đón đầu công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, dự án số hóa lượng giao hàng…
Trong đó, để giúp doanh nghiệp số hóa trong vận tải và logistics, Chính phủ, bộ ngành và VLA cần đề ra lộ trình, giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy kiến tạo, cải tạo hạ tầng giao thông, giảm phí môi trường, giảm phí BOT… hướng đến giảm giá thành, cắt giảm phí logistics.
Riêng về bến bãi, hậu cần logistics, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch bến bãi để không dẫn đến nguy cơ kẹt xe, phát sinh chi phí không hợp lý. Trong đó, Sở Công thương TPHCM có vai trò tham mưu việc xây dựng đề án quy hoạch lại Trung tâm Logistics. Đồng thời, giao hàng điện tử (e/DO) có áp dụng chữ ký số trong mọi giao dịch sẽ tiết kiệm các chi phí, thời gian đi lấy chứng từ và rủi ro khi mang tiền mặt.