Cái giống nhuyễn thể ấy vốn hiền lành như nhành cây ngọn cỏ ở trên bờ, cứ thế lững lờ trôi theo dòng nước, chẳng biết vẫy, biết vùng, biết hùa nhau chạy trốn như đám cá ngừ, cá thu, hay cá chim, cá nụ, chỉ cần vướng vào lưới là chúng nằm yên chịu trận.
Ông tôi bảo, trước kia chẳng mấy ai ăn sứa. Trước khi sứa trở thành “đặc sản” trong các nhà hàng, quán ăn, chỉ có dân biển mới đụng đũa vào con sứa. Trước kia, vào mùa sứa, cứ mỗi buổi chiều, ra bờ biển kiểu gì cũng gặp hàng chục con sứa nằm phơi mình trên bãi cát. Cái giống ấy nó yếu đuối mỏng manh lắm, y như cọng lục bình, sóng muốn đánh đi đâu thì đánh, một khi đã dạt vào bờ là chịu chết.
Có những con sứa to bằng cái nia, cứ thế phơi mình trên bãi cát. Ráng chiều chiếu xuống, thân thể chúng trong veo, óng ánh như thạch, chẳng mấy ai ăn, nên sứa cứ phơi đầy ngoài bãi biển. Người ta chỉ cắt lấy phần chân sứa giòn nhất, ngon nhất mang về. Còn phần thân sứa, nếu ai tốt bụng, sợ người khác vô ý giẫm vào trượt ngã, hay bị sẩn ngứa thì lại được ném ra ngoài biển, để sóng cuốn đi.
Con sứa không lông, không xương, nhưng đừng tưởng làm sứa là dễ, đôi khi nó còn nhiêu khê hơn làm gà, làm vịt. Sứa mang về, được rửa nhiều lần, cạo cho hết nhớt và nhả bớt muối mặn. Sau đó người ta nấu một nồi nước lá chè xanh, hoặc lá ổi để “muối sứa”. Gọi là muối, nhưng thực chất là ngâm cho phần thịt và chân sứa loại bỏ hết chất độc và muối mặn. Nồi nước chè xanh, hay nước lá ổi ấy phải để cho thật nguội, rồi mới cho phần sứa đã cắt nhỏ kia vào, bởi con sứa toàn là nước, hễ gặp hơi nóng là sứa tan hết. Ngâm như thế một ngày là có thể ăn được. Mỗi nơi lại có một cách muối sứa khác nhau, có vùng cầu kỳ hơn, muối với quả dành dành, để sứa lên màu vàng, trông như miếng thịt mỡ ướp nghệ thật bắt mắt. Lại có nơi đem sứa muối với cây sú vẹt, sau vài ngày được một miếng thạch đỏ núng nính màu bã trầu. Ấy là cái món “sứa đỏ” trứ danh gây thương nhớ, mà cứ mỗi độ cuối xuân, đầu hè, người sành lại phải tìm ăn cho bằng được.
Một miếng sứa mọng mướt, một miếng cùi dừa già, thêm miếng đậu nướng vàng ươm, cuộn lại với lá tía tô bánh tẻ, chấm cùng mắm tôm. Cái vị vừa thanh mát, hòa cùng cái ngậy, béo thơm, thêm chút vị mằn mặn sao mà khéo đến thế. Người nghiện ăn món ấy còn ví nó là món sashimi của người Việt.
Bây giờ sứa đã trở thành đặc sản, người ta không vứt chúng trơ trơ ngoài bãi biển nữa. Đến mùa, ngư dân lại giong thuyền ra ngoài khơi bắt sứa. Sứa vốn không nuôi được, chỉ chờ đánh bắt tự nhiên, không phải năm nào sứa cũng được mùa nhưng lại có đặc điểm là bắt sứa thì đi giờ nào cũng được, không phải như đánh bắt cá tôm thường phải đi từ sáng sớm, lúc trời còn tờ mờ. Sứa vốn sống ở vùng nước nông, cách bờ vài ba hải lý, nếu không có thuyền máy, dùng bè mảng hay thuyền nhỏ đi bắt sứa cũng chẳng sao. Đánh bắt dễ dàng, bán lại được giá, một ngày bội thu có thể kiếm được tiền triệu, thế nên người ta mới gọi sứa là “lộc của biển”. Và là ngư dân ai cũng hiểu một điều, sứa là lộc của biển, mẹ thiên nhiên đã ưu ái thì con người phải chăm chỉ để đáp đền.