Vì con số đồ sộ đến 5,6 triệu lượt hộ kinh doanh cá thể (hơn 10 lần số doanh nghiệp) nhưng chỉ đóng góp chưa đến 2% cho ngân sách. Do vậy, Luật Quản lý thuế hiện đang loay hoay với việc chuyển đổi, quản lý hiệu quả nhóm đối tượng này, làm sao phải vừa tạo điều kiện để họ kinh doanh vừa đảm bảo công bằng về thuế là vấn đề khó.
Theo dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, thì theo hướng hộ/cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Mặc dù trong quy định cũ hộ kinh doanh không được có trên 10 lao động. Thế nhưng, thực tế nhiều hộ kinh doanh có số lao động rất đông, doanh thu cao, nhưng họ muốn được khoán thuế cho đơn giản, nên lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể. Tuy luật quy định nhưng không có chế tài nên việc làm không đúng luật diễn ra khắp nơi mà không ai làm gì được họ.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia cũng như cán bộ quản lý thuế, quan trọng là phải để doanh nghiệp tự do trong lựa chọn mô hình kinh doanh. Phải tôn trọng sự đa dạng trong các thành phần kinh tế đúng theo thông lệ quốc tế. Mặc dù những năm qua ngành thuế có nhiều sửa đổi theo hướng phân loại hộ lớn, hộ nhỏ, “hạ doanh nghiệp siêu nhỏ xuống, nâng hộ kinh doanh lớn lên” để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thế nhưng, vấn đề bản chất là làm sao để doanh nghiệp thấy lợi khi chuyển đổi thì không được thể hiện. Vì thực tế việc nộp thuế khoán có lợi hơn, do “tranh tối tranh sáng” giữa việc vừa được kê khai theo hóa đơn vừa được khoán nên dễ chuyển doanh số cho nhau. Còn dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ra đời, nhưng thực tế chưa thấy áp dụng mô hình hộ kinh doanh cá thể có lợi hơn. Nếu đăng ký hộ kinh doanh cá thể, thuế môn bài cũng thấp hơn, mức phạt khi vi phạm cũng thấp hơn và ít bị thanh tra, kiểm tra về thuế. Chủ hộ chỉ làm việc với một đầu mối 1 lần/năm… Do vậy, “rất khó để người dân bỏ được nỗi lo lên doanh nghiệp”, một lãnh đạo ngành thuế nói.
Theo đề xuất từ những người làm công tác quản lý thuế, nên xem xét quản lý thuế theo quy mô doanh thu, chẳng hạn dưới 100 triệu đồng, trên 100 triệu đồng, trên 1 tỷ đồng, trên 20 tỷ đồng… sẽ có các chế độ khác nhau, chứ không nên quản lý theo tư cách chủ thể (hộ/cá nhân hay doanh nghiệp) như lâu nay. Và theo đó, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này hộ/cá nhân kinh doanh có doanh thu và số lao động đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai, chứ không được khoán như lâu nay. Nếu với cách này thì về thuế sẽ giống như doanh nghiệp. Như vậy, dù không chuyển đổi lên doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ khó trốn thuế nên tạo công bằng hơn khi người kinh doanh có doanh số bằng nhau thì phải nộp thuế như nhau.
Cách nào để thu thuế công bằng?
Theo quy định tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì những hộ kinh doanh có từ 10 lao động và doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm (trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng) hoặc từ 10 tỷ đồng/năm (trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ) sẽ thuộc đối tượng của luật này. Thế nhưng, theo số liệu thống kê của ngành thuế thì năm 2017, số hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên đạt trên 100.000 hộ, trong đó có nhiều hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn thường xuyên với doanh thu lên đến vài trăm tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh hóa chất, vật tư và thiết bị y tế, máy móc thiết bị xây dựng, vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản... có doanh số lớn, nhưng vẫn đăng ký mô hình hoạt động hộ kinh doanh cá thể là không hợp lý. Nhiều người cho rằng, mô hình quản lý hộ kinh doanh theo hình thức khoán lâu nay nảy sinh ra nhiều bất cập, phức tạp, trốn thuế. Thực tế, có những hộ kinh doanh thu mỗi ngày lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng mức thuế phải nộp chỉ từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/hộ, hoặc cao nhất cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng. Số thuế này quá chênh lệch so với mô hình doanh nghiệp phải thực hiện theo phương pháp kê khai thuế.
Đó là chưa kể, nhiều người không muốn buông mô hình hộ kinh doanh cá thể là vì hộ kinh doanh thường áp dụng hình thức nộp thuế theo tỷ lệ trên doanh thu hoặc thu thuế khoán, dẫn tới việc cơ quan quản lý chưa sát với doanh thu thực tế phát sinh của hộ kinh doanh, nên có hiện tượng thất thu thuế. “Một doanh nghiệp có doanh thu dù ít cỡ nào cũng phải thực hiện chế độ sổ sách hóa đơn chứng từ kế toán, trong khi đăng ký mô hình hộ kinh doanh thì doanh thu có hàng chục, hàng trăm tỷ đồng thì chỉ khoán thuế và chế độ kế toán chứng từ hóa đơn kiểu như muốn vẽ gì thì vẽ”, một chuyên gia nói. Do vậy, khi người dân thấy mô hình hộ kinh doanh có lợi hơn nên không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp là điều đương nhiên.
Để tạo công bằng trong thu thuế phải giải quyết những bất cập này. Cần áp dụng chung chính sách thuế cho các nhóm đối tượng tương đồng về doanh thu, chứ không theo mô hình kinh doanh. Khi đó, cơ quan thuế không bị thất thu, người kinh doanh được bình đẳng lựa chọn tên gọi, mô hình kinh doanh mà mình thích. Nếu không, việc duy trì các quy định khác nhau như trên đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp.