Nhiều khó khăn, vướng mắc
Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao; hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đều có bước phát triển ngoạn mục. Quá trình đô thị hóa, mức sống của người dân tăng nên nhu cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng tiếp tục tăng cao.
Rõ nhất là trong các đợt nắng nóng vừa qua, công suất nguồn điện và sản lượng tiêu thụ công suất phụ tải đỉnh hệ thống điện đạt 35.110MW, sản lượng tiêu thụ toàn quốc là 723,9 triệu kWh. Điều này cho thấy nhu cầu điện tăng rất cao, ảnh hưởng đến nguồn dự phòng và hệ thống điện Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ Công thương từ nay đến năm 2030, nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng từ 6,5% - 7%/năm, dẫn đến nhu cầu năng lượng cũng tăng rất nhanh. Dự kiến sản lượng điện thương phẩm đạt gần 500 tỷ kWh vào năm 2030 (năm 2017 đạt trên 190 tỷ kWh).
Nhu cầu năng lượng tăng trưởng nhanh đem đến thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp đã được khai thác hết hoặc đang cạn kiệt. Bên cạnh đó, các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực lớn đối với hoạt động cung cấp năng lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đơn vị trực tiếp sản xuất và cung ưng điện - lại đưa ra con số dự báo cao hơn so với Bộ Công thương. Theo đó, dự kiến ngành điện cần đảm bảo sản xuất 265 - 278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572 - 632 tỷ kWh vào năm 2030.
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 10,3% - 11,3%/ năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 8,0% - 8,5%/năm. “Đây đều là những thách thức rất lớn mà tập đoàn đang phải đối mặt”, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN nhìn nhận.
Nếu so sánh theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện phải đạt 60.000MW thì sản lượng điện đang thiếu hụt rất lớn. Theo EVN, tính đến cuối tháng 6-2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống chỉ mới đạt 46.900MW; trong đó nguồn điện của EVN chiếm gần 60%, số còn lại là của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các nhà đầu tư BOT nước ngoài cùng tư nhân đều chậm tiến độ so với kế hoạch, trung bình từ 1-1,5 năm, thậm chí có dự án kéo dài hơn 2 năm.
Bên cạnh đó, các dự án lưới điện cũng đang gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng; các dự án điện năng lượng tái tạo như gió, mặt trời vướng về giải tỏa công suất và nguồn dự phòng; các dự án khí ngoài khơi cũng như hạ tầng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam của các tập đoàn PVN, TKV cũng đang gặp phải những thách thức khi chi phí khai thác tăng, khó khăn về nguồn nhân lực. Những tồn tại này do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trong đó, có vướng mắc đến từ: chính sách chưa đồng bộ, thủ tục đầu tư thay đổi do các văn bản mới, nguồn vốn khó khăn, về năng lực nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng.
Xây dựng cơ chế đặc thù
Đại diện EVN cho biết, từ nay đến năm 2020, nguồn điện cơ bản đáp ứng được nhu cầu phụ tải, nhưng nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi thì có thể phải huy động nguồn điện chạy dầu, gây áp lực về tài chính cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2025, EVN đã lên các phương án, kịch bản dựa trên tần suất nước về hồ thủy điện đạt 65% và các dự án điện sẽ không được chậm trễ thêm.
Tuy nhiên, nếu tần suất dự báo thấp hơn có thể gây thiếu điện, nhất là trong các năm từ 2021-2023. Trước những thách thức hiện nay và nhằm đảm bảo cung cấp điện phát triển kinh tế - xã hội, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN đề xuất trước mắt phải đảm bảo được tiến độ các công trình nguồn điện đưa vào vận hành theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện. Đồng thời, có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào, đẩy nhanh việc đàm phám với nước bạn nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220kV hiện hữu.
Song song với các giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải, tăng cường sử dụng điện an toàn - tiết kiệm - hiệu quả, khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo. Đối với việc kiểm soát phụ tải, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn - tiết kiệm - hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM), ưu tiên cho khu vực miền Nam. Trong đó, cần có cơ chế của nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, để giải quyết những thách thức đặt ra, một trong những vấn đề cần chú trọng là phải có sự phát triển phù hợp trong ngành năng lượng giữa than, dầu, khí. Cùng đó, cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện mới, cũng như đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo; có chính sách về giá điện phù hợp, người dân và các doanh nghiệp sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về lâu dài cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó, cần giải bài toán cân đối cung - cầu cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện; giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như các vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cần đánh giá tổng thể sơ đồ phát triển ngành điện, than, khí trong vài thập kỷ qua để thấy được những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Từ đó, lập ra sơ đồ phát triển ngành năng lượng phù hợp trong tương lai.