Đây được xem là một trong những nỗ lực của các đơn vị trong việc tạo ra môi trường học tập mới, phù hợp với định hướng phát triển của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, số đơn vị thực hiện đổi mới chưa nhiều, nhiều trường vẫn loay hoay trong triển khai áp dụng.
Vì sao?
Vì sao?
Những trải nghiệm thực tế
Cuối tuần qua, 48 học sinh lớp 6A4 Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) đã háo hức tham gia tiết học liên môn Lịch sử - Mỹ thuật với chủ đề “Nền văn hóa và mỹ thuật của Việt Nam thời kỳ cổ đại và thời nhà Lý”, tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Chia sẻ với chúng tôi, cô Chiêu Thu Trang, giáo viên dạy môn Mỹ thuật khối 6, cho biết phân môn Mỹ thuật thường thức lớp 6 có nhiều kiến thức gắn liền với quá trình phát triển lịch sử của đất nước qua các thời kỳ. Do đó, hai tổ bộ môn Lịch sử và Mỹ thuật đã cùng nhau ngồi lại soạn giáo án tích hợp, tổ chức tiết học thực tế ở bảo tàng nhằm giúp học sinh có thêm cơ hội trải nghiệm, trực tiếp nhìn thấy các hiện vật qua các thời kỳ lịch sử. Cô Nguyễn Ngọc Phương Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A4, nhận xét: “Thông qua tiết học, các em học được cách làm việc theo nhóm, biết giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi cần thiết, có ý thức không làm ồn và chạm tay vào mẫu vật khi đi tham quan”.
Em Nguyễn Vũ Phương Trinh, học sinh lớp 6A4, nói rằng việc gắn kết kiến thức hai môn nói trên giúp em có cái nhìn toàn diện hơn về các thời kỳ văn hóa và lịch sử của đất nước, nhờ vậy có thể ghi nhớ bài tốt hơn. Ngoài ra, trong quá trình nghe thuyết minh về các hiện vật, em còn được cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích khác như sự khác biệt về mặt phương ngữ giữa các vùng miền, vì sao người Việt Nam có tập tục thờ cúng tổ tiên…
Được biết, hình thức tổ chức tiết học liên môn đã được Trường THCS Trần Văn Ơn áp dụng từ năm học trước. Sau mỗi tiết học, học sinh sẽ có một tuần lễ hệ thống lại kiến thức, trao đổi tư liệu giữa các thành viên trong tổ/nhóm. Sau đó, mỗi bạn sẽ thực hiện một bài thu hoạch cá nhân. Trước đó, học sinh khối 8 của trường này cũng có cơ hội tham gia tiết học tích hợp môn Văn với các môn Toán, Vật lý và Mỹ thuật, thông qua việc chế tạo lồng đèn và thuyết minh ý nghĩa của chiếc lồng đèn đó.
Rào cản thi cử “trói chân” giáo viên
Theo định hướng phát triển của Bộ GD-ĐT, trong chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020), dạy học tích hợp sẽ có một số điểm khác biệt so với chương trình giáo dục hiện hành, như tăng cường tích hợp nội dung trong cùng môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới theo tinh thần tích hợp mạnh ở các bậc học dưới và phân hóa dần ở các bậc học cao hơn. Trong đó, tích hợp ở mức độ thấp là tích hợp kiến thức trong cùng môn học, liên kết những nội dung có liên quan ở từng phân môn, có thể lồng ghép thêm một số kiến thức xã hội như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, chủ quyền biển đảo… Dạng tích hợp này chủ yếu phù hợp hai bậc tiểu học và THCS. Ở mức độ cao hơn, chương trình sẽ tích hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực thành một môn học thống nhất như tích hợp các môn Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên, tích hợp các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân thành môn Khoa học xã hội. Thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay cho thấy, việc tổ chức tiết học theo hình thức tích hợp liên môn đem lại lợi ích là kích thích khả năng sáng tạo của giáo viên, buộc người dạy phải không ngừng trau dồi thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực để có khả năng cung cấp kiến thức toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, theo một khảo sát của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cách đây chưa lâu, đa số giảng viên các trường sư phạm đều có hiểu biết cao về năng lực đặc thù của học sinh ở môn mà sinh viên của họ sẽ dạy ở trường phổ thông, nhận thức được lý do vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp, nhưng lại chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về phương pháp dạy học mới mẻ này. Bởi thực tế hiện nay ở các trường sư phạm, đào tạo giáo viên phổ thông vẫn là đào tạo giáo viên dạy đơn môn. Thêm vào đó, một trong những rào cản đối với đổi mới chương trình giáo dục là vấn đề thi cử. Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định từ nay đến năm 2020, tức vẫn nặng về kiểm tra kiến thức, đánh giá kết quả bằng điểm số, thiếu tính ứng dụng thực tiễn. Từ thực tế đó, theo kiến nghị của nhiều địa phương, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần tính đến đổi mới đồng bộ quy chế tổ chức thi cử. Trong đó, nên tăng cường kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển tư duy, năng lực toàn diện của học sinh, kết hợp đánh giá bằng nhận xét trên lớp với đánh giá theo quá trình, đánh giá thông qua sản phẩm, dự án, bài thuyết trình của học sinh. Mục tiêu sau cùng của kiểm tra, đánh giá không phải xem học sinh học được gì mà quan trọng là biết các em tiếp thu kiến thức ở mức độ nào, có khả năng vận dụng thực tế hay không. Chỉ khi làm được điều đó, đổi mới chương trình mới toàn diện và phát huy hiệu quả lâu dài.
Tổ chức thêm các tiết học ngoài nhà trường
(SGGP).- Tại hội nghị giao ban chuyên môn bậc trung học diễn ra sáng 19-10, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đã chỉ đạo như trên. Đây là một trong những hình thức tổ chức học tập trải nghiệm sáng tạo, phục vụ yêu cầu đổi mới hoạt động dạy và học ở các trường phổ thông. Được triển khai từ năm học 2014-2015 đến nay, mô hình đã gặt hái một số thành quả nhất định như tăng dần số lượng môn học áp dụng tiết học ngoài nhà trường, mở rộng danh sách địa điểm tổ chức cho học sinh tham quan (bảo tàng, Thảo Cầm viên, các khu di tích lịch sử, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, rừng ngập mặn Cần Giờ…).
Đại diện Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh trong tổ chức tiết học ngoài nhà trường, bảo đảm tất cả học sinh đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc. Do đó, khi xây dựng chương trình, trường học phải lưu ý xây dựng thêm chương trình song song thứ hai để những học sinh không tham gia tiết học ngoài nhà trường vẫn có những hình thức học tập khác đảm bảo chuẩn kỹ năng, kiến thức cho các em.
THU TÂM