Loay hoay với bài toán nhân lực du lịch

Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, giai đoạn 2023-2030, mỗi năm TPHCM cần bổ sung khoảng 60.000 lao động cho thị trường du lịch, nhưng thực tế các trường đào tạo hết công suất cũng chỉ đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu. Chưa kể, chất lượng nguồn nhân lực du lịch “phập phù” cũng khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành mệt mỏi.
Học viên trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist trong giờ học thực hành
Học viên trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist trong giờ học thực hành

“Non” nghề, phải đào tạo lại

Một số doanh nghiệp du lịch như Saigontourist, Vietravel, BenThanh Tourist… thừa nhận, từ 60-80% ứng viên vừa tốt nghiệp đều phải đào tạo lại mới có thể thích ứng với công việc, thậm chí có doanh nghiệp đào tạo lại tới 90%, bởi ứng viên “non” các kỹ năng. “Chúng tôi phải đào tạo lại cho các bạn về kỹ năng ứng xử, thái độ làm việc, trình độ ngoại ngữ… Nhiều bạn sinh viên năm cuối đại học hoặc tốt nghiệp rồi nhưng kiến thức lơ mơ”, giám đốc đào tạo của một doanh nghiệp du lịch tại TPHCM, chia sẻ. Ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, chỉ ra rằng, TPHCM là trung tâm cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao không chỉ cho thành phố mà cả các tỉnh thành khu vực phía Nam. Tuy nhiên, việc dạy học hiện nay vẫn dàn đều, chưa tập trung đào tạo chuyên sâu vào một vị trí cụ thể, dễ dẫn đến lệch pha cung - cầu giữa đào tạo với tuyển dụng, buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại rất tốn kém.

Cùng chung nhận xét, GS-TS Trương Quang Vinh, Trường Đại học Kinh tế công nghiệp Long An, dẫn chứng, theo báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2019, có hơn 2,5 triệu lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch; trong đó có khoảng 860.000 lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch, 35% được đào tạo chuyên ngành khác, 20% chưa qua đào tạo… Sau đại dịch Covid-19, con số lao động này sụt giảm đáng kể, nên cần được bổ sung gấp nhằm đáp ứng tình hình thực tế. Thế nhưng, nghịch lý nguồn nhân lực du lịch do cơ sở đào tạo cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và kỹ năng. “Người có kinh nghiệm và thành thạo chuyên môn thì chưa được đào tạo bài bản, còn người được đào tạo đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ lại chưa có khả năng làm việc ngay và cần đào tạo lại ở doanh nghiệp”, GS-TS Trương Quang Vinh nêu bất cập.

Liên kết nhà trường - doanh nghiệp

Để nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, GS-TS Trương Quang Vinh đề xuất xây dựng mô hình đào tạo nguồn nhân lực dựa trên năng lực và nhu cầu của thị trường du lịch. Trong đó, cơ sở đào tạo đóng vai trò phối hợp, chịu trách nhiệm tham gia tổ chức, quản lý sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường du lịch đưa vào ứng dụng giảng dạy. Sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch được xem là điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của các bên (cơ sở đào tạo - sinh viên - doanh nghiệp du lịch). Đối với sinh viên, cần chủ động nâng cao năng lực chuyên môn, thái độ ứng xử thực tiễn…

Ông Cao Tùng, Giám đốc Trung tâm Du lịch nội địa BenThanh Tourist, gợi ý, nên tăng thời gian thực hành cho sinh viên. Thay vì thực tập khoảng 3 tháng, thì nay gói gọn chương trình đào tạo lý thuyết, tăng thời lượng thực hành lên khoảng 50%. Cụ thể, đối với sinh viên đại học, 2 năm đầu tập trung kiến thức chuyên môn; 2 năm còn lại đưa sinh viên về doanh nghiệp thực hành để được va chạm thực tế như một nhân viên thực thụ, khi đó các bạn được trang bị tốt kiến thức, kỹ năng nghề, có cơ hội được nhận vào làm việc ngay khi ra trường... “Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp rất quan trọng. Một bên cung ứng nguồn nhân lực, bên còn lại sẽ tiếp nhận và sử dụng. Nhà trường cho các bạn lý thuyết, doanh nghiệp cho các bạn kỹ năng. Ở đây cũng cần có sự hỗ trợ, chia sẻ trong đào tạo, chẳng hạn như nhà trường hỗ trợ phí điện, nước... khi gửi sinh viên thực tập để gắn bó trách nhiệm với nhau. Mục tiêu hướng đến sinh viên ra trường trở thành nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng cao”, ông Cao Tùng nhận định.

PGS-TS Lê Chi Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, cũng cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, du lịch trở thành “chìa khóa” thúc đẩy phát kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Trong đó, TPHCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, PGS-TS Lê Chi Lan nhìn nhận, ngành du lịch đang chịu nhiều tác động của khu vực và thế giới. TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đang thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nên rất cần sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam ước tính, đến năm 2025, cả nước cần từ 950.000 đến 1,05 triệu phòng lưu trú và đến năm 2030 cần 1,3-1,45 triệu phòng lưu trú. Năm 2025, nhu cầu về người lao động khối cơ sở lưu trú du lịch hơn 800.000 người và năm 2030 là hơn 1 triệu người.

Tin cùng chuyên mục