Tổ chức Hòa bình Xanh xác nhận hiện tại, thủ đô Bangkok đang chìm 2cm/năm và có nguy cơ lũ lụt lớn trong tương lai gần. Trong khi đó mực nước biển tại các vùng biển gần Vịnh Thái Lan đang tăng 4mm/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Bangkok có thể trở thành “Venice của phương Đông”
Bộ Phòng chống và Giảm thiểu thiên tai Thái Lan, ngày 1-9, cho biết hơn 78.000 người dân nước này vẫn chịu ảnh hưởng từ các trận lũ lụt do cơn bão nhiệt đới Bebinca và đợt gió mùa ở khu vực Tây Nam đất nước gây ra. Tổng cộng có 163.711 người thuộc 55.353 hộ gia đình tại hơn 2.300 ngôi làng ở 18 tỉnh tại Thái Lan bị ảnh hưởng do lũ lớn từ hôm 17-8. Cho đến nay, khi nước lũ bắt đầu rút xuống tại 10 trong 18 tỉnh, vẫn còn 78.334 người chịu ảnh hưởng do ngập lụt.
Công cuộc ứng phó với lũ lụt của Thái Lan diễn ra trong bối cảnh Bangkok ngày 3-9 tổ chức Nhóm Công tác đặc biệt về Thỏa thuận Paris lần thứ 6 (APA1-6), trước cuộc họp cuối năm nay tại Ba Lan - quốc gia phần lớn nguồn điện được tạo ra từ than - để đề ra các quy định về giảm phát khí thải nhà kính và viện trợ cho các nước dễ bị tổn thương.
Bangkok được chọn để đăng cai hội nghị này có lẽ vì một phần Bangkok - thành phố của hơn 10 triệu dân - cũng được cảnh báo có thể bị nhấn chìm vào khoảng năm 2030 chủ yếu do mực nước biển dâng và nguồn nước ngầm cạn kiệt. Phần lớn diện tích Bangkok thấp hơn mực nước biển khoảng 1,5m và đất ở đây khá xốp, nền đất yếu. Bangkok đã trở thành nạn nhân của sự phát triển điên cuồng của chính mình khi mà trọng lượng của các tòa nhà chọc trời đã góp phần vào tình trạng dìm thành phố dần dần chìm xuống nước.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, tình trạng đô thị hóa không được kiểm soát và bờ biển xói lở sẽ đẩy Bangkok và cư dân của thành phố này vào tình huống nguy kịch, có thể trở thành “Venice của phương Đông”. Bangkok cùng với Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia) sẽ là những đô thị lớn ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hy vọng ở Ba Lan
Cùng ngày, báo Hindustan Times của Ấn Độ đưa tin lũ lụt hoành hành trong tháng 8 vừa qua tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ đã khiến gần 400 người thiệt mạng và kéo theo tình hình dịch bệnh phức tạp, với 28 ca tử vong do bệnh trùng xoắn móc câu (leptospirosis) sinh sôi trong nước. Trước thực trạng này, giới chức y tế bang Kerala vừa ban bố cảnh báo nguy cơ cao về dịch leptospirosis, đồng thời kêu gọi Bộ Y tế Ấn Độ viện trợ thêm nhiều loại thuốc để ngăn ngừa dịch bệnh. Một quan chức y tế cấp cao cho biết bang Kerala ghi nhận ít nhất 300 ca nghi nhiễm leptospirosis trong 3 ngày trở lại đây.
Trong khi đó, nhà chức trách Nigeria cho biết lũ lụt tại miền Trung nước này trong suốt 3 ngày qua đã cướp đi sinh mạng của 14 người. Hiện công tác cứu trợ các nạn nhân lũ lụt vẫn đang được tiến hành. Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Nigeria, ông Garba Salisu, cho biết kể từ ngày 30-8 đến 1-9, nhà chức trách đã kêu gọi hơn 200 lái xe địa phương cùng hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn tại những khu vực cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng do lũ ở bang miền Trung Niger.
Người ta hy vọng, thời tiết thất thường, nóng bỏng trong mùa hè qua và cũng như tình trạng lũ lụt hiện nay, sẽ tiếp tục gây áp lực lên gần 200 chính phủ để đạt được thỏa thuận ở Ba Lan vào tháng 12 về chi tiết của kế hoạch toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu. Tại cuộc họp này, mục tiêu đề ra là phải thống nhất cho được các quy tắc cho Hiệp ước khí hậu Paris 2015 - một hiệp ước đề ra mục tiêu xóa xổ thời kỳ nhiên liệu hóa thạch trong thế kỷ này, nhưng văn bản lại mơ hồ về chi tiết.