Việc chờ ứng viên
Hôm nay (11-3), 145 ứng viên đủ điều kiện tham gia xét tuyển vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo quận 1 năm học 2021-2022 chính thức bước vào 2 phần thi phỏng vấn và thực hành. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển dụng các trường mầm non, tiểu học và THCS trong toàn quận 1 là 280 người, số lượng hồ sơ xét tuyển vòng 2 chỉ chiếm tỷ lệ 51,78%. Trong đó, nhiều trường có số lượng hồ sơ xét tuyển chưa đến 50% nhu cầu tuyển dụng như Mầm non Hoa Quỳnh (1 ứng viên/5 vị trí cần tuyển), Mầm non Bé Ngoan (3 ứng viên/7 vị trí cần tuyển), THCS Văn Lang (2 ứng viên/6 vị trí cần tuyển)... Cá biệt, một số đơn vị như Mầm non Hoa Lan, Tiểu học Đuốc Sống không có ứng viên xét tuyển dù nhu cầu bổ sung lực lượng khá lớn. Riêng đối với việc tuyển dụng nhân viên y tế - nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với các trường học do vừa dạy học vừa phòng chống dịch Covid-19, tình trạng việc chờ người tiếp tục tái diễn.
Trước đó, vào cuối tháng 2-2022, Hội đồng tuyển dụng viên chức quận Tân Bình đã thông báo kéo dài thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển thêm 30 ngày (đến ngày 12-3) thay vì kết thúc ngày 10-2 do nhiều vị trí việc làm chưa có ứng viên. Năm học 2021-2022, tổng nhu cầu tuyển dụng của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn quận Tân Bình là 322 vị trí, gồm 210 giáo viên, 112 nhân viên các vị trí như văn thư, thủ quỹ, thư viện, thiết bị, y tế, kế toán...
Thời điểm hiện tại, một trong những địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, với 1.328 vị trí việc làm, là TP Thủ Đức do đặc thù địa bàn rộng, tốc độ gia tăng dân số cao với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, bậc học “khát” nhân sự nhất là tiểu học với 532 giáo viên cần bổ sung, kế đến là THCS với 417 người và bậc mầm non thiếu 131 nhân sự. Ngoài ra, với yêu cầu nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học, TP Thủ Đức cần tuyển bổ sung 88 nhân viên y tế. Theo kế hoạch tuyển dụng vừa được công bố, thời gian nộp hồ sơ kéo dài từ nay đến hết ngày 7-4, kết quả dự kiến công bố vào ngày 13-6. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở phường Linh Trung (TP Thủ Đức) chia sẻ: “Tuyển dụng giáo viên năm nào cũng thiếu, nhà trường phải linh động bố trí nhiều phương án như phân công giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng với giáo viên các bộ môn năng khiếu hoặc mời lại một số giáo viên đã nghỉ hưu tiếp tục ở lại giảng dạy. Thậm chí, có tình trạng ứng viên trúng tuyển nhưng không nhận nhiệm sở nên đội ngũ thiếu lại càng thiếu”.
Đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu
Liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) năm 2018, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM nêu thực tế, dù thành phố đã chủ động tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên giảng dạy 2 môn học mới của CT GDPT năm 2018 là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý nhưng về lâu dài cần thêm chương trình đào tạo bài bản đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông mới. Ngoài ra, đối với môn Ngoại ngữ 2 của CT GDPT năm 2018, một số ngoại ngữ tự chọn như tiếng Đức, tiếng Hàn… sẽ khiến các trường gặp khó trong tuyển dụng giáo viên. Chưa kể, trong bối cảnh năm học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đại diện Phòng Giáo dục Trung học mong muốn Trường Đại học Sư phạm TPHCM xây dựng thêm các chuyên đề bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý học sinh.
Ở góc độ đơn vị đào tạo, TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng, công tác bồi dưỡng giáo viên nếu được làm thường xuyên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, song, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bao quát khắp thành phố. Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đang bồi dưỡng giáo viên theo mô hình cụm thi đua của thành phố, nếu không có sự đều tay sẽ dẫn đến phân tầng rất lớn về chất lượng đào tạo, chưa kể nguy cơ “chảy máu chất xám” giáo viên qua hệ thống các trường ngoài công lập, tư thục. Riêng với yêu cầu đào tạo giáo viên dạy môn Ngoại ngữ 2, TS Huỳnh Văn Sơn cho biết, tới đây, Trường Đại học Sư phạm TPHCM sẽ tính toán lộ trình phát triển, cân nhắc đào tạo 1 trong 2 chuyên ngành sư phạm tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhận định, mục tiêu của CT GDPT năm 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tuy nhiên, công tác đào tạo sư phạm, bồi dưỡng giáo viên hàng năm chưa quan tâm đúng mức đến nội dung này. Do đó, việc đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần xây dựng cụ thể, phù hợp với đặc thù phát triển riêng của TPHCM so với các tỉnh, thành khác, bao gồm cả bồi dưỡng thường xuyên, nâng chuẩn và bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc, một số môn học được xem là đào tạo mũi nhọn hiện nay trong các trường phổ thông như Ngoại ngữ, Công nghệ, Tin học vẫn “khát” giáo viên, bài toán tuyển dụng không chỉ quan tâm số lượng mà còn đòi hỏi chất lượng xét tuyển. |