Ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, cho biết, đơn vị mở chuyên ngành đào tạo giáo viên 2 môn học mới của CT GDPT 2018 là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý từ năm học 2019-2020, nhưng đến nay chỉ có 24 giáo viên Khoa học tự nhiên và 9 giáo viên Lịch sử - Địa lý tốt nghiệp.
Dự kiến, năm 2024, sẽ có thêm 31 giáo viên Khoa học tự nhiên và 28 giáo viên Lịch sử - Địa lý ra trường. 2 năm tiếp theo, số giáo viên tốt nghiệp hai chuyên ngành này ra trường chưa đến 120 người. Như vậy, bài toán khan hiếm nguồn tuyển giáo viên vẫn tiếp tục nan giải trong 3 năm tới.
Đối với các bộ môn nghệ thuật, PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, bày tỏ, hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm Mỹ thuật của Trường Đại học Sài Gòn là 30 sinh viên. Song, năm nào may mắn lắm có 15 sinh viên theo học, các năm còn lại con số thực tuyển còn thấp hơn.
Với ngành Sư phạm Âm nhạc, lượng sinh viên đầu vào khả quan hơn, nhưng học xong không nhiều em theo ngành Sư phạm. PGS-TS Phạm Hoàng Quân phân tích, sinh viên 2 ngành này sau khi tốt nghiệp ra trường nếu làm dịch vụ bên ngoài có thể kiếm thu nhập cao hơn nhiều so với trường phổ thông. Do đó, vấn đề thu nhập cho giáo viên nếu không được tháo gỡ sẽ khiến nguồn tuyển ngày càng khó khăn. Riêng với ngành Sư phạm Tiếng Anh, sinh viên ra trường phần lớn bị “hút” về các trung tâm ngoại ngữ, trường quốc tế, tư thục, nên thiếu hụt nguồn tuyển giáo viên cho trường công lập.
Từ thực tế đó, theo một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, giải pháp tạm thời là các trường ký hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng hoặc “dùng chung” giáo viên theo cụm trường. Tuy nhiên về lâu dài, cùng với biện pháp tăng cường thêm nguồn tuyển, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục tham mưu UBND TPHCM ban hành các chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên để giữ chân người giỏi ở ngành Sư phạm.
Đặc biệt, với yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, cần có chính sách thu nhập tương xứng hơn với nhân viên công nghệ thông tin trong trường học. Hiện nay, công việc này chỉ hưởng lương theo ngạch nhân viên, thu nhập thấp nên chưa thu hút ứng viên có trình độ chuyên môn cao.
Trong bối cảnh ngành giáo dục và đào tạo đang hướng đến mục tiêu dạy học thông minh, quản trị nhà trường bằng công cụ thông minh, thì xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin đủ trình độ và năng lực, đáp ứng tối đa nhu cầu của người học là yêu cầu cấp thiết.