Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 53km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai hơn 34km và dự án đường Vành đai 3 - TPHCM đoạn qua tỉnh này hơn 11km. Để phục vụ thi công 2 tuyến đường, Đồng Nai cần khoảng 5,7 triệu m³ đất san lấp, trong khi tỉnh chỉ có 2 mỏ đất là mỏ Tân Cảng 7 và mỏ Núi Nứa với tổng trữ lượng còn lại khoảng 1,7 triệu m³ nên còn thiếu hơn 4 triệu m³. Việc thiếu nguồn đất đắp sẽ gây khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục của dự án.
Cuối tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án thành phần 2, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1) có văn bản đề xuất Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho phép đơn vị và các nhà thầu nghiên cứu, đánh giá chất lượng, phân loại và tận dụng nguồn đất dôi dư khi thi công sân bay Long Thành làm vật liệu đất đắp cho đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Thế nhưng, Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành cho rằng, việc xây dựng sân bay với diện tích 5.000ha với khối lượng đất đào đắp khoảng 115 triệu m³ nên nguồn vật liệu san nền giai đoạn 1 của dự án cơ bản đủ. Mặt khác, giai đoạn 2 của dự án triển khai sau năm 2030, nguồn đất dự trữ tận dụng điều phối, hạ cốt nền trên phạm vi công trường dự án sân bay Long Thành chỉ đủ dùng, thậm chí còn thiếu 1-2 triệu m³.
Trong 3 năm tới, nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như các dự án giao thông của địa phương này có nhu cầu vật liệu san lấp hàng triệu mét khối. Để đáp ứng nhu cầu, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch, khoanh định các khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp với tổng diện tích 517ha nhưng thủ tục cấp phép khai khoáng đang là “nút thắt”.
Đồng Nai đang kiến nghị các cơ quan Trung ương rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về cấp giấy phép khai thác đất làm vật liệu san lấp đảm bảo việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và an toàn trong quá trình khai thác trước đây đã được quy định tại Điều 63 Nghị định số 68/NĐ-CP (ngày 1-11-1996) và Điều 63 Nghị định số 76/2000/NĐ-CP (ngày 15-12-2000). Đồng thời cho phép nhà thầu thi công được lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng khai thác đất tại các khu vực gò đồi không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với thành phần hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Với sự tháo gỡ những thủ tục này, các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới hy vọng có đủ đất san lấp phục vụ các dự án.