Loay hoay nâng cấp y tế trường học

Theo chương trình y tế trường học (YTTH) được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ năm học 2022-2023, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động YTTH. Trên cơ sở đó, giữa tháng 12-2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên YTTH.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) khám sàng lọc sức khỏe tại trường
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) khám sàng lọc sức khỏe tại trường

Thiếu đủ thứ!

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 75,3% trường học có phòng y tế học đường, nhưng số phòng y tế đạt yêu cầu về diện tích chỉ chiếm 49,9%. Bên cạnh đó, chỉ 43,4% trường học có trang thiết bị sơ cứu ban đầu cho học sinh. Về nhân sự, hầu hết các trường đều thiếu nhân viên y tế học đường. Riêng tại TPHCM, đa phần nhân viên y tế ở các trường học hiện nay là giáo viên kiêm nhiệm, tỷ lệ người được đào tạo trung cấp y sĩ trở lên rất thấp. Nhân viên y tế một trường tiểu học ở quận 5 (TPHCM) cho biết, sau hơn 10 năm phụ trách công tác YTTH, tổng thu nhập của cô chưa đến 6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống. Thêm vào đó, điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, như chưa được trang bị bình thở oxy, dụng cụ sơ cấp cứu để xử lý các trường hợp chuyển nặng đột ngột…

Theo TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), một thời gian dài, YTTH chưa được quan tâm đúng mức, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đến chế độ, chính sách cho cán bộ y tế, nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của nhân viên YTTH. “Tôi biết có nơi nhân viên y tế làm chân sai việc vặt trong trường, không được phân công nhiệm vụ cụ thể. Các chương trình tập huấn, bồi dưỡng chủ yếu mang tính thời vụ theo chuyên đề chứ chưa toàn diện và bài bản”, TS Nguyễn Nho Huy nhận xét. Ở góc độ quản lý, TS-BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng, một trong những bất cập đối với công tác quản lý và theo dõi sức khỏe học sinh hiện nay là chưa có phần mềm quản lý, tiền sử bệnh tật của học sinh chủ yếu do phụ huynh khai báo. Do đó, khi học sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe, nhân viên YTTH chỉ có một cách duy nhất là tra cứu sổ theo dõi sức khỏe học sinh, dù thông tin khai báo có thể không rõ ràng, bệnh tật (nếu có) đã có nguy cơ lây lan từ trước đó. Qua thực tế theo dõi công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh ở các trường học, TS-BS Đỗ Thiện Hải kiến nghị nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế dự phòng để nắm thông tin các trường hợp học sinh mắc bệnh truyền nhiễm, từ đó chủ động có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong lớp học.

Tập trung công tác truyền thông

Bộ GD-ĐT cho biết vừa phối hợp với Bộ Y tế soạn thảo chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cốt cán ở các trường học. Thông qua lực lượng này, các địa phương tiếp tục triển khai đại trà cho nhân viên y tế ở các trường học. Trong năm 2023, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ GD-ĐT sửa đổi Thông tư liên tịch số 13 quy định vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ, hình thức tổ chức hoạt động, tiêu chuẩn cán bộ và kinh phí hoạt động của YTTH. Song song đó, Bộ GD-ĐT cũng sửa đổi Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT quy định về khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó quy định chính sách cho giáo viên kiêm nhiệm công tác YTTH. Lý giải sự cần thiết của các sửa đổi này, TS Lê Văn Tuấn (Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD-ĐT) cho rằng, cán bộ YTTH hiện nay có yêu cầu công việc tương đương một giáo viên, tuy không trực tiếp truyền thụ kiến thức trên lớp nhưng phụ trách công tác truyền thông về sức khỏe và chăm sóc y tế, tư vấn cho học sinh, cha mẹ học sinh các thói quen tốt trong sinh hoạt, học tập. Do đó, cần hoàn thiện các văn bản, quy định về chính sách cũng như sắp xếp, kiện toàn hệ thống YTTH gắn với y tế cơ sở tại địa phương.

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ trước đến nay, trường học chủ yếu quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm cho học sinh nhưng chưa quan tâm đúng mức tầm quan trọng của việc duy trì chất lượng bữa ăn học đường. Trong đó, hàng loạt vấn đề cần quan tâm như: xây dựng khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, quy định thời gian ăn, nhân sự phụ trách phù hợp. Đồng thời, nhiều vấn đề mang tính thời đại như tình trạng học sinh rối loạn sức khỏe tâm thần, lạm dụng thuốc lá điện tử, chế độ ăn thừa muối, thiếu rau và trái cây, ít hoạt động thể lực dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, huyết áp, thừa cân béo phì… cần được YTTH đẩy mạnh truyền thông nhằm giáo dục sức khỏe cho học sinh. Cán bộ y tế có thể lồng ghép nội dung giáo dục sức khỏe cho học sinh bằng nhiều hình thức như giờ học chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, dán trên bản tin trường hoặc qua hệ thống loa phát thanh trong giờ ra chơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng.

Theo kết quả nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam vào năm 2020, tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM đang sử dụng thuốc lá điện tử là 7,3%. Ngoài ra, có đến 33,96% học sinh uống nước ngọt có ga nhiều hơn 1 lần/ngày; 17,09% học sinh có thói quen ăn thức ăn nhanh nhiều hơn 3 ngày/tuần. Trong khi đó, có đến 43,07% học sinh dành phần lớn thời gian trong ngày cho các hoạt động ít vận động thể lực, ảnh hưởng chỉ số cân nặng, cholesterol máu…

Tin cùng chuyên mục