Nhiều năm trở lại đây, ngành giáo dục liên tục thí điểm các chủ trương, đề án nhằm cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường phổ thông. Tuy nhiên, nỗ lực nói trên chưa mang lại diện mạo mới cho các trường học. Trong đó, một số đề án còn “chết yểu” trong cái nhìn hoài nghi của xã hội. Vì sao?
Dục tốc bất đạt!
Năm học 2013-2014, nhằm thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011-2020” do UBND TPHCM phê duyệt, ngành giáo dục đã phân bổ gần 1.000 bảng tương tác về các trường mầm non và tiểu học theo phương thức 50% kinh phí từ ngân sách, 50% từ nguồn thu xã hội hóa.
Ngay khi vừa triển khai, nhiều địa phương đã “ngã ngựa” khi trường học từ chối nhận bảng do lo sợ không đủ kinh phí chi trả phần “đối ứng”. Đơn cử huyện Bình Chánh được phân bổ 40 bảng tương tác nhưng chỉ bàn giao được 26; quận Phú Nhuận được phân bổ 42 nhưng bàn giao được 28; quận 7 nhận 44 bảng nhưng bàn giao được 23.
Lý giải thực tế này, một lãnh đạo Sở GD-ĐT khi đó thừa nhận đề án đã vội vàng triển khai khi chưa có thống kê cụ thể về nhu cầu sử dụng của các đơn vị. Trong khi đó, nhiều giáo viên trong quá trình thực hiện cũng cho biết, bảng được bàn giao về trường nhưng giáo viên không được tập huấn nên hầu hết sử dụng cho có. Mỗi trường được phân bổ 1 - 3 bảng nên trường nào có phòng học bộ môn, các lớp sẽ tuần tự luân phiên xuống học với bảng tương tác; trường không có phòng bộ môn thì thiết bị này được di chuyển luân phiên giữa các lớp học.
Thực tế này dẫn đến việc học sinh chỉ được tiếp xúc với bảng tương tác 2 - 3 lần/năm học, mỗi lần tối đa 30 phút, trong khi mỗi tháng phụ huynh phải đóng thêm khoản phí từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng (tùy vào trường đông hay ít học sinh) và phải đóng liên tục phí sử dụng trong vòng 2 năm. Thiết bị chưa phát huy công dụng, người dạy lẫn người học đã hết hào hứng, khiến đề án dù hay vẫn rơi vào cảnh “thoi thóp”.
Với mức kinh phí “khủng” 4.000 tỷ đồng, đề án đặt ra một số mục tiêu như trang bị máy tính bảng cho hơn 327.000 học sinh và 10.398 giáo viên khối 1, 2, 3 trên toàn thành phố, quản lý lớp học thông qua phần mềm trực tuyến, sử dụng sách giáo khoa điện tử với nhiều hình ảnh 3D sinh động, xây dựng ở mỗi trường học một phòng họp trực tuyến...
Đại diện HĐND TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, bày tỏ: “4.000 tỷ đồng không phải con số nhỏ. Dù biết đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người, song phải chọn thời điểm phù hợp, đồng thời phải có khảo sát nhu cầu, khả năng tài chính của phụ huynh ở từng địa phương”. Thêm vào đó, trong bối cảnh nhiều trường học chưa trả xong “khoản nợ” từ đề án trang bị bảng tương tác, việc gánh thêm các nhiệm vụ đầu tư máy tính bảng, xây dựng phòng học trực tuyến được xem là quá sức đối với các đơn vị.
Như vậy, qua 2 lần triển khai các đề án liên quan phát triển công nghệ thông tin trong trường học, ngành giáo dục chưa nhận được đồng tình từ xã hội. Bên cạnh một số bất cập về yếu tố chuẩn bị, khó khăn chủ yếu đến từ những hạn chế vốn có của cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và năng lực xã hội hóa của các đơn vị.
Trường học nỗ lực chuyển mình
Trong khi chờ những bước đi căn cơ hơn cho việc phát triển công nghệ thông tin trong trường học, một số đơn vị đã mạnh dạn thí điểm nhiều chương trình đột phá. Cụ thể, bắt đầu từ năm học 2017-2018, Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) đưa vào sử dụng phòng thực hành STEM đầu tiên tại TPHCM. Phòng thực hành được trang bị máy in và quét 3D, kính thực tế ảo… phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của các bộ môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, việc đưa phương pháp giáo dục STEM vào dạy học các môn khoa học tự nhiên nhằm đẩy mạnh đổi mới hoạt động dạy học theo định hướng tăng cường năng lực tiếp cận cho học sinh, giúp các em vận dụng kiến thức đã học để thực hiện các ý tưởng sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mình yêu thích.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Tân Bình cho biết, danh mục thiết bị trường học do Bộ GD-ĐT ban hành sau gần 20 năm áp dụng đến nay đã quá lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân trong thời đại mới. Do đó, vị này kiến nghị cơ quan quản lý phải thường xuyên cập nhật để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất trong nhà trường, phù hợp xu thế hội nhập của đất nước. Đặc biệt, khi đổi mới được áp dụng trên quy mô lớn, cần hết sức tránh việc mua sắm trang thiết bị theo phong trào, không gắn với nội dung dạy học thực tế vì tạo ra lãng phí, gây mất niềm tin của xã hội. |
Theo đó, mỗi học sinh sẽ được cấp một tài khoản cá nhân để chủ động đăng nhập, trả lời 100 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 40 - 50 phút về sở thích, tính cách, mục tiêu cá nhân, để từ đó phần mềm giúp đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Tại Trường Mầm non Măng non 1 (quận 10), lần đầu tiên phòng học thông minh với máy tính bảng, một số thiết bị trình chiếu được đưa vào sử dụng, đã như làn gió mới tạo ra không khí học tập vô cùng sôi nổi.
Tuy nhiên, những đổi mới nói trên chỉ mang tính điển hình đơn lẻ, thiếu sự nhất quán và tập trung…