Bài toán đầy thách thức đó chưa thể có lời giải thỏa đáng, dù đã có ít nhiều tín hiệu lạc quan…
Khi kịch bản... lên giá
Nhà sản xuất (NSX), diễn viên Trương Ngọc Ánh từng trăn trở: “Làm thế nào để có kịch bản hay để đưa vào sản xuất là vấn đề đau đầu. Mỗi năm, chúng tôi nhận được số lượng kịch bản rất nhiều nhưng chưa có kịch bản hay để có thể triển khai”. Đồng quan điểm, NSX Bebe Phạm cho biết, lựa chọn được kịch bản ưng ý là vô cùng khó khăn, nhiều khi khiến cô cảm thấy nhức đầu khi phải đọc quá nhiều kịch bản. Đó là lý do thời gian qua vì không tìm được kịch bản ưng ý, nhiều đạo diễn phải kiêm luôn vai trò tác giả kịch bản. Thiếu kịch bản, đặc biệt kịch bản có chất lượng, cũng dẫn đến thực tế chất lượng phim đi xuống.
Kịch bản chắc chắn là vấn đề sống còn và được nhắc đến nhiều nhất trong giới làm phim hiện nay. Rất may, kịch bản đã được trở về đúng vị trí của nó bởi một thời gian dài trước đây, nhiều quan điểm gần như phủ nhận vai trò của kịch bản và biên kịch. Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Ngày trước, diễn viên là số 1, sau đó mới đến đạo diễn, còn tác giả kịch bản là ai không mấy được quan tâm. Nhưng thời gian qua nhiều anh em đồng nghiệp chia sẻ với chúng tôi rằng phim họ toàn sao hạng A nhưng cũng bị gãy, chung quy chỉ vì kịch bản”.
Hiện nay, giá kịch bản đang tăng lên hàng năm và nhiều NSX khi nhận thức được vị trí quan trọng đó đã không ngại cắt tiền từ các khâu khác chuyển sang đầu tư sâu để có kịch bản chất lượng.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, nếu trước đây kịch bản chỉ có giá khoảng 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng) thì hiện nay con số đó cao nhất cũng đã chạm mức 50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) sau khi đóng máy. Sở dĩ có con số cao này là bởi sau khi có kịch bản, đầu tiên phải trải qua nhiều công đoạn sửa chữa, có khi ê kíp 3-5 người, viết đi viết lại nhiều lần để ra thành phẩm ưng ý.
Đạo diễn Charlie cũng cho biết, việc kịch bản có thể đội giá lên 60.000 USD, thậm chí 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) cũng là điều không quá ngạc nhiên.
Thiếu vắng kịch bản hay nên vòng trình bày ý tưởng kịch bản của tốp 6 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2017 đã thu hút sự tham gia của đông đảo các NSX.
Bebe Phạm cho biết: “Sau khi xem các bạn trẻ trình bày ý tưởng, đã chấm được 3 kịch bản có thể đưa vào làm phim. Tôi nghĩ nó sẽ giúp phần nào giải tỏa cơn khát cho các NSX bởi các bạn trẻ cho thấy sức sáng tạo, đam mê”.
Là 1 trong 6 người hướng dẫn cho các nhóm thí sinh, đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng rất bất ngờ bởi các bạn trẻ có ý tưởng độc đáo, hấp dẫn trong cách kể chuyện.
Đạo diễn Charlie Nguyễn không quên khoe, kịch bản Vườn Hạ Huyền của thí sinh Hồ Thúc An trong đội của anh cũng có 2 NSX ngỏ lời.
Chưa nói đến kết quả cuối cùng liệu sẽ có bao nhiêu kịch bản từ cuộc thi được đưa vào sản xuất, nhưng ít nhất với 3.802 bài dự thi, phần nào cho thấy sự quan tâm từ phía những người yêu điện ảnh.
Nói như đạo diễn Charlie Nguyễn, đây là cầu nối để NSX có thể tìm kiếm ý tưởng, đồng thời giúp các nhà biên kịch trẻ có cơ hội trau dồi tài năng của bản thân.
Remake: Nên hay không?
“Mua kịch bản nước ngoài là thể hiện sự lúng túng”, PGS - TS Trần Luân Kim nhận định. Còn đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng, xu hướng này là hệ quả tất yếu của việc các đạo diễn bí đề tài vì những cái hay, tâm huyết đã làm hết rồi và họ không có thời gian để nghỉ ngơi.
Trước xu hướng làm phim remake đang bùng nổ, bản thân các nhà làm phim cũng có những nhìn nhận thấu đáo.
Theo đạo diễn Lê Thanh Sơn: “Việc nội địa hóa các kịch bản nước ngoài là điều không thể thiếu và bất kỳ nền điện ảnh nào trên thế giới, dù tiên tiến đến mấy, cũng trải qua. Nó là cơ hội để các NSX, đạo diễn được học hỏi kinh nghiệm, truyền cảm hứng”.
Đạo diễn Charlie Nguyễn với nhiều năm được hợp tác cùng các nhà làm phim lớn trên thế giới cũng cho biết: “Nếu nói về remake, Hollywood là bậc thầy”.
Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu nằm ở vế còn lại của câu chuyện. Đạo diễn Charlie Nguyễn không đặt nặng vấn đề phim remake. Đó là lý do, anh muốn thử sức mình ở dự án Cú té trời tính (được làm lại từ Key of life của Nhật Bản) nhưng đành bỏ ngang vì chưa có kịch bản Việt hóa ưng ý.
Theo cá nhân anh, nếu một bộ phim remake làm tệ hơn mới là sai và khán giả thường ít quan tâm đến việc họ sẽ tiếp cận tác phẩm đó với tâm thế như thế nào. “Một câu chuyện hay dù bất kể thể loại nào được kể hấp dẫn, tạo cảm xúc cho khán giả với tôi là quan trọng nhất”, anh chia sẻ.
Trong khi đó, đạo diễn Lê Thanh Sơn khẳng định, dù là xu hướng tất yếu nhưng cũng không nên sa đà vào remake: “Tôi cho rằng đó chỉ là bước đệm để trui rèn thêm kỹ năng. Bản remake dù hay đến cỡ nào cũng không thể so sánh với những sáng tạo riêng biệt, dù đôi khi còn khá thô sơ. Tôi trân trọng điều đó hơn”.
Xác định hướng đi của mình là “truyền tải được văn hóa Việt và sử dụng hoàn toàn kịch bản gốc từ Việt Nam”, diễn viên Ngô Thanh Vân cho rằng, người Việt làm phim Việt và xem phim Việt là cách nên làm và nên cố gắng để cùng đưa thị trường phim nói riêng và văn hóa giải trí nói chung đi lên.