Vấn đề kết nối và phát huy nguồn lực kiều bào một lần nữa lại được đặt ra trong buổi sơ kết công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay, tổ chức vào sáng 9-8.
“Hầu hết các doanh nghiệp chỉ có tên, còn không rõ địa chỉ ở đâu. Riêng TPHCM đã như thế, cả nước hơn 6.100 doanh nghiệp kiều bào thì không rõ thế nào? Tìm họ ở đâu để kết nối? Như vậy, trước giờ đường đi, cách làm kết nối kiều bào của mình đã chính xác chưa?”, ông Peter Hồng trăn trở.
Ông Peter Hồng đặt vấn đề, phải xốc lại, làm bằng được dữ liệu về kiều bào, cả những gương mặt lớn tuổi có nhiều đóng góp, cả những kiều bào trẻ. Từ đó, quy tụ tâm huyết, phát huy sức đóng góp của kiều bào.
Trân trọng kiều bào lớn tuổi, đồng thời các đại biểu cũng đặt ra yêu cầu phải mời thế hệ kiều bào trẻ tuổi góp sức cho TPHCM, cho cả nước. Với kiều bào trẻ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đánh giá, các thế hệ kiều bào ở độ tuổi 8X, 9X là những người cực kỳ thành công, có tài năng, được đào tạo bài bản. Chỉ riêng tại Mỹ, đã có 115.000 kiều bào trẻ đầy tiềm năng như thế và đây là “mỏ vàng” mà những cơ quan làm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải nhắm tới.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho rằng không nên chỉ tập trung vào kiều bào đã định cư tại các nước, mà cần quan tâm đến thế hệ kiều bào trẻ, du học sinh. Đặc biệt, cần quan tâm thu hút những người trẻ gốc Việt - họ sinh ra ở nước ngoài, có gốc Việt Nam nhưng chưa từng có quốc tịch Việt Nam. Những người gốc Việt, chỉ vì quy định pháp luật ràng buộc nên họ chưa có quốc tịch Việt Nam, song thông qua gia đình, họ đã gìn giữ văn hóa, nét truyền thống Việt và luôn hướng về Việt Nam. Điều đó cần được trân trọng và tập trung phát huy nguồn lực ở đối tượng này, thông qua một kênh quan trọng là thân nhân gia đình.
GS-TS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật) cho hay, ông sẵn sàng hỗ trợ thành phố thực hiện ngân hàng tài năng kiều bào để phát huy nguồn lực kiều bào ở các lĩnh vực. Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Phùng Công Dũng cho biết, ủy ban đã liên hệ các kiều bào trẻ ở nước ngoài về nước lập nghiệp, hướng tới xây dựng một mạng lưới kiều bào trong nước, huy động tốt hơn nữa nguồn lực cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của thành phố và cả nước.
Đồng thời, tổ chức hội nghị trí thức kiều bào và kết nối giữa trí thức kiều bào với các trường đại học hoặc các doanh nghiệp trong đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng và thực tiễn cao; rà soát, cập nhật các thông tin dữ liệu về doanh nghiệp, các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, bổ sung vào nguồn cơ sở dữ liệu hiện có nhằm phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu, khai thác, sử dụng, quản lý và phát huy có hiệu quả nguồn lực kiều bào.
Cơ quan này cũng chuẩn bị tổ chức “Diễn đàn kết nối startup” của người Việt Nam trong và ngoài nước; gắn kết các kiều bào trẻ với những ý tưởng, các dự án, mô hình của các kiều bào tham gia hiến kế cho thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu những kiến nghị, đề xuất giải pháp của kiều bào tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần 3 (Hội nghị VK16), gắn với thực hiện 7 chương trình đột phá của TPHCM.