Chị Đinh Thị Thu Hằng, ngụ phường 22 (quận Bình Thạnh, TPHCM) công tác ở Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, còn chồng làm tài xế xe tải. Dù công việc bận rộn, chị vẫn xoay xở với việc trông nom và quản lý cô con gái đang học lớp 4 và con trai út độ tuổi mầm non. Do học sinh các cấp đang tạm nghỉ đến hết ngày 28-2, nên cả 2 vợ chồng phải tranh thủ đi làm và cắt cử người ở nhà giữ con.
Chị Hằng cho biết: Gia đình bên nội, ngoại ở tận ngoài Bắc, chúng tôi lại phải đi làm liên tục, không biết gửi con ở đâu.
Anh Nguyễn Ngọc Nghĩa, nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), tâm sự: Trong những ngày nghỉ, chúng tôi nhờ cô giáo giao bài tập cho cháu lớn lớp 5 làm, cháu học từ 9 giờ sáng đến 11 giờ 30 trưa, để hạn chế đến nơi đông người. Cháu nhỏ học mẫu giáo, vợ chồng tôi nhờ bà nội ở nhà chăm sóc.
Không chỉ lo trông giữ con, không ít các bậc phụ huynh cũng băn khoăn về học online. Ngày 20-2, nhiều phụ huynh phản ánh, trong 2 ngày học trực tuyến (18 và 19-2) qua Zalo vừa qua, sinh hoạt của gia đình đảo lộn. Do các buổi học qua mạng bị lỗi, thầy trò, phụ huynh rối như… gà mắc tóc! Trong quá trình học, nhiều em bị văng khỏi mạng, phải đăng nhập lại nhiều lần.
Chị Trần Thị Nguyệt (có con học lớp 6/2 Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp) cho biết, chị thấy lớp học qua Zalo có 50 học sinh, rất ồn ào. Nhà trường thông báo dạy bài mới đến tuần 23 và không dạy lại bài cũ khi trẻ quay lại trường học. Phụ huynh nhất định phải “cùng học” với con em mình, vì các em thiếu tập trung.
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, việc dạy trực tuyến bước đầu chưa thể đồng đều và mang lại hiệu quả tốt như phương thức truyền thống. Nhưng do hoàn cảnh bắt buộc như hiện nay, phụ huynh và học sinh cần cố gắng thích nghi. Bản thân giáo viên đứng lớp cũng phải tự điều chỉnh, về kỹ năng soạn giáo án điện tử, sử dụng máy tính, phần mềm… Tất cả hướng đến mục tiêu để học sinh cảm thấy việc học online vẫn nghiêm túc và hiệu quả như khi học trực tiếp trên lớp.