Bỏ việc vì không chịu được áp lực
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc trên tổng số 1,6 triệu giáo viên đang công tác trong toàn ngành. Như vậy, bình quân cứ 100 giáo viên có 1 người bỏ việc. Theo TS Nguyễn Thị Minh, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TPHCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ việc là sức khỏe tâm thần giáo viên không tốt dẫn đến sự thờ ơ, bất mãn với công việc, nghiêm trọng hơn là trầm cảm, kiệt sức vì công việc.
Hàng năm, tỷ lệ giáo viên không chịu được áp lực, phải xin nghỉ việc có chiều hướng tăng lên. Năm học 2023-2024, cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên, tăng 11.000 người so với số lượng giáo viên còn thiếu của năm học trước. Riêng tại TPHCM, số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 663.426 học sinh tiểu học. Căn cứ theo Điều lệ trường tiểu học, tổng số lớp tương ứng là 18.955 lớp. Để đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, thành phố cần 28.432 giáo viên. Song trên thực tế, đội ngũ này còn thiếu 3.643 người, tương đương 12,8% số lượng giáo viên cần có.
Ở góc độ khác, TS Bùi Hồng Quân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhận xét, giáo viên hiện nay đang đối mặt với áp lực đến từ nhiều phía. Các thầy, cô giáo không chỉ chịu trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải đáp ứng yêu cầu của chương trình giảng dạy, quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh. Sự căng thẳng, áp lực trong công việc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của giáo viên.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Thị Xuân Yến, Phó Trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, dẫn chứng, khi phát hiện học sinh có hành vi không đúng quy định (đi học muộn, quên mang đồ dùng học tập...), giáo viên hiện nay dễ có cảm xúc tiêu cực cho rằng học sinh thiếu ý thức thực hiện nội quy của nhà trường, từ đó có cách xử lý tiêu cực như phạt học sinh, liên hệ với phụ huynh mà chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân. Nếu trong tình huống đó, giáo viên có cảm xúc tích cực thì sẽ nhắc nhở, sử dụng hình thức nêu gương, mô hình “đôi bạn cùng tiến”…
Nỗ lực gắn kết giáo viên
TS Nguyễn Thị Minh cho rằng, để tạo sự gắn kết giữa giáo viên và nhà trường, người đứng đầu đơn vị phải quan tâm các điều kiện tác động bên ngoài, như khen thưởng, biểu dương giáo viên có thành tích tốt, đồng thời khơi gợi động lực từ bên trong như tình yêu nghề, sự say mê, yêu thích công việc, thích thú khi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức) tham gia lễ Giỗ tổ Hùng Vương trong năm học 2022-2023 |
Ngoài ra, để khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của giáo viên, nhà trường cần tổ chức các hoạt động giải trí sau giờ dạy trên lớp, trong thời gian nghỉ giải lao hoặc trước các tiết học. Chuyên gia này đề xuất giải pháp trường học thiết kế khu vực ăn uống nhẹ giữa giờ hoặc nghỉ ngơi cho giáo viên nhằm tái tạo năng lượng tích cực. Một cách làm khác, nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa ban giám hiệu nhà trường và giáo viên nhằm lắng nghe tâm tư, tình cảm của các thầy, cô giáo, qua đó tạo mối quan hệ gắn kết từ hai phía, tạo được sự tin tưởng của giáo viên.
Hay như tại Trường THCS Linh Đông (TP Thủ Đức), thầy Phạm Nguyễn, giáo viên Âm nhạc, được giao nhiệm vụ sáng tác bài hát truyền thống mang thương hiệu của trường. Bài hát được truyền qua nhiều thế hệ học sinh và giáo viên, trở thành niềm tự hào và gắn kết giữa các thành viên trong trường. Cùng với đó, nhà trường tạo điều kiện để tất cả thành viên tham gia đóng góp ý kiến, triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động của trường (như thiết kế đồng phục, hội nghị viên chức, họp ban đại diện cha mẹ học sinh...) nhằm giúp giáo viên cảm nhận được bầu không khí dân chủ, tôn trọng ý kiến cá nhân.
Thầy Nguyễn Minh Tâm, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6), cho rằng, mối quan hệ giữa giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn trong cùng lớp học cần phát huy trên tinh thần cởi mở, chia sẻ, có sự lắng nghe và tôn trọng.