Đây là năm đầu tiên toàn thành phố phân bổ chỗ học cho học sinh theo tiêu chí ưu tiên gần nơi cư trú. Căn cứ để phân bổ chỗ học cho học sinh là hệ thống thông tin địa lý (gọi tắt là bản đồ GIS) giúp học sinh được học ở trường gần nhà để thuận tiện đưa đón. Tuy nhiên, kết quả xét tuyển giai đoạn 1 vừa qua khiến nhiều gia đình lo lắng do con không được phân bổ chỗ học gần nhà. Phụ huynh đứng trước bài toán chấp nhận trường học xa nhà hay tiếp tục tham gia xét tuyển đợt 2 với rủi ro cao hơn, do giai đoạn này chỉ áp dụng đối với những trường còn chỉ tiêu xét tuyển.
Câu hỏi được đặt ra là: vì sao trước đây chỗ học được phân bổ theo đơn vị hành chính phường, xã, khu phố thì học sinh được học trường gần nhà, tuy nhiên sau khi áp dụng bản đồ GIS phải đi học xa nhà hơn? Trưởng phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM nhận xét, bản đồ GIS chỉ áp dụng hiệu quả đối với những khu vực không quá áp lực về dân số, còn các khu vực tập trung đông dân số không thể áp dụng do trường học không “gánh” nổi số lượng học sinh. Trong điều kiện trường gần nơi cư trú không còn chỉ tiêu tuyển sinh, học sinh buộc phải đi học ở trường cách xa nhà. Lý giải về thực tế năm nay bản đồ tuyển sinh của thành phố xuất hiện nhiều “điểm nóng” mới khiến học sinh phải đi học xa nhà, vị này cho rằng xáo trộn là điều khó tránh khỏi khi thay đổi tiêu chí phân bổ chỗ học so với trước đây. Ngoài ra, việc TPHCM sắp xếp lại tổ, khu phố là một trong những nguyên nhân khiến bài toán quy hoạch trường lớp có nhiều biến động. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại chỗ học là yêu cầu cần thiết, giảm tình trạng nơi thừa, nơi thiếu chỗ học, sức nóng tuyển sinh dồn vào một số trường “hot”. Mặt khác, khi triển khai bản đồ GIS, kết quả tuyển sinh phản ảnh tính công bằng, minh bạch, chia đều áp lực về chỗ học giữa các địa bàn, khu vực. Trên thực tế, bản đồ GIS vẫn còn một số hạn chế, như mới dựa trên yếu tố khoảng cách, chưa tính đến các điều kiện đi kèm như chiều đường lưu thông, học sinh có nhu cầu học bán trú hay trường dạy 1 buổi…
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, nếu kết quả phân bổ chỗ học chưa phù hợp điều kiện đi lại hoặc đưa đón của gia đình, phụ huynh có thể liên hệ phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức để được hướng dẫn giải quyết. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục và đào tạo thành phố trong việc cân bằng giữa yêu cầu công bằng nhưng vẫn đáp ứng nguyện vọng thực tế của người dân. Về lâu dài, bài toán phân bổ chỗ học chỉ được giải quyết ổn thỏa khi mạng lưới trường lớp đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học của người dân, không còn tình trạng học sinh phải đi học xa nhà do thiếu trường công lập.