Bệnh nhân được các bác sĩ điều trị giảm đau, tập vận động và điều trị thuốc đặc trị loãng xương. Hiện tại, sau điều trị, bà đã có thể cải thiện vận động cột sống thắt lưng, có thể ngồi được và đi lại được. Bên cạnh đó, bà cũng được các bác sĩ dặn dò cần phòng tránh té ngã và tuân thủ điều trị loãng xương để có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Theo ThS-BS Nguyễn Châu Tuấn, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, điều trị loãng xương bao gồm phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Tại Việt Nam, các loại thuốc bisphosphonate dạng uống và truyền tĩnh mạch là phương pháp phổ biến để tăng cường mật độ xương và ngăn ngừa gãy xương. Người bệnh cần tuân thủ liệu trình từ 3 đến 5 năm và tái khám đều đặn để đạt hiệu quả điều trị tối ưu. Khi người bệnh không tuân thủ điều trị đầy đủ, nguy cơ gãy xương tái phát rất cao, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí y tế.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc, các biện pháp không dùng thuốc như duy trì tập luyện thể lực, cải thiện dinh dưỡng, phòng tránh té ngã cũng đóng vai trò quan trọng, khuyến khích người bệnh thực hiện lối sống lành mạnh giúp giảm thiểu tác động của loãng xương.
PGS-TS-BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết, loãng xương là tình trạng giảm khối lượng và chất lượng xương do những thay đổi trong cấu trúc vi mô của xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Các nghiên cứu cho thấy gãy xương do loãng xương không chỉ gây đau đớn mà còn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế và thậm chí tử vong, đặc biệt ở người lớn tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi tác và phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là sau giai đoạn mãn kinh khi hormone estrogen giảm sút.
Một số yếu tố nguy cơ chính gây loãng xương bao gồm tuổi tác cao, trọng lượng cơ thể thấp, tiền sử gãy xương trong gia đình, thiếu hụt hormone sinh dục, sử dụng các thuốc làm tăng mất xương như glucocorticoid, cùng chế độ ăn thiếu canxi và vitamin D. Các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc lá, nghiện rượu và ít vận động cũng góp phần đáng kể vào nguy cơ mắc bệnh. Loãng xương là hậu quả của sự mất cân bằng giữa hai quá trình tạo xương và hủy xương, và khi quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn, khối lượng xương giảm, làm tăng nguy cơ gãy xương.
Còn theo ThS-BS Trần Hồng Thụy, Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, loãng xương thường được ví như “kẻ trộm thầm lặng” lấy đi khối lượng xương mà người bệnh không hề nhận biết. Chỉ đến khi gặp phải té ngã hay chấn thương, người bệnh mới phát hiện ra mình đã bị loãng xương. Biến chứng nguy hiểm nhất là gãy xương, với các vị trí thường gặp là cột sống thắt lưng, cổ xương đùi và cẳng tay. Đáng chú ý, gãy xương do loãng xương để lại nhiều gánh nặng về chăm sóc, làm suy giảm chức năng vận động, gây tàn phế và thậm chí tử vong. Vì vậy, cần tầm soát và điều trị sớm nhằm ngăn ngừa biến chứng gãy xương.
Trước đó, Trung tâm Truyền thông và Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp cùng Công ty TNHH Sandoz Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn với với chủ đề “Cách nhận biết sớm và tăng hiệu quả điều trị loãng xương” nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về cách nhận biết, điều trị bệnh loãng xương.
Theo thống kê, loãng xương hiện là một thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người mắc bệnh. Số người mắc loãng xương hiện khoảng 3,6 triệu và dự báo sẽ tăng lên đến 4,5 triệu người vào năm 2030, với tỷ lệ nữ giới chiếm từ 70% đến 80%. Đáng lưu ý là loãng xương thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng, chỉ khi người bệnh gặp phải các biến cố gãy xương mới nhận ra mức độ nghiêm trọng của bệnh.