Bệnh âm thầm trẻ hóa
Dù mới sang tuổi 32, nhưng gần đây chị Cao Thùy Lâm (ngụ quận 1) thường xuyên xuất hiện các cơn đau quanh cột sống, có khi lan sang hai mạn sườn. Đi khám tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM, chị được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương.
Chị Lâm chia sẻ, mẹ của chị mắc bệnh loãng xương nhưng chị không ngờ mình lại mắc bệnh sớm như vậy. Không chỉ người lớn, gần đây một số BV ghi nhận nhiều trẻ em cũng mắc bệnh loãng xương. Đưa con gái 10 tuổi đến BV Nhi đồng 1 khám vì bé ho, khò khè kéo dài, chị Trương Thị Hiền (43 tuổi, ngụ Đồng Nai) bất ngờ khi bác sĩ thông báo con chị mắc loãng xương.
“Do con tôi bị dư cân nên tôi hạn chế đạm, canxi, sữa trong khẩu phần ăn. Tôi cứ tưởng như thế sẽ tốt hơn cho con, ai ngờ lại khiến con mình mắc loãng xương, trong khi đây đa số là bệnh của người lớn tuổi”, một phụ huynh nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Quang, Khoa Thận nội tiết, BV Nhi đồng 1, đơn vị này thường tiếp nhận trẻ bị loãng xương cần điều trị. Đa số bệnh loãng xương ở trẻ rất khó nhận biết vì không có biểu hiện lâm sàng, chỉ được phát hiện một cách ngẫu nhiên khi trẻ bị một bệnh lý khác.
“Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương do giảm mật độ xương và chất lượng xương bị giảm, xương trở nên yếu, giòn, chỉ cần va chạm nhẹ cũng có thể dẫn đến gãy xương. Đáng chú ý, quá trình loãng xương diễn ra âm thầm, không có triệu chứng nên người bệnh không hay biết, cho đến khi gặp các biến chứng như xẹp xương, gãy xương”, bác sĩ Nguyễn Đức Quang nói.
Th.S-BS Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng đơn vị chuyển hóa cơ xương, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết, trước đây bệnh loãng xương đa số thường gặp ở người già và khi tuổi thọ người Việt Nam tăng lên thì số người mắc loãng xương cũng gia tăng. Bên cạnh đó, các yếu tố di truyền, yếu tố gen cũng ảnh hưởng đến tốc độ gia tăng của bệnh. Khi trong gia đình có người bị loãng xương thì thế hệ sau dễ mắc loãng xương hơn. Ngoài ra, loãng xương thứ phát cũng xuất hiện nhiều ở những người mắc các bệnh lý như tuyến giáp, suy thận, suy gan, bệnh tiêu hóa, viêm khớp mạn tính.
Duy trì lối sống lành mạnh
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Đình Khoa, Phó Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, thói quen sinh hoạt, lối sống của người Việt Nam cũng ảnh hưởng không ít tới nguy cơ loãng xương. Tỷ lệ người làm công việc ít vận động, ít ra ngoài trời ngày càng nhiều, thói quen lười vận động, tập luyện thể dục thể thao của người dân cũng góp phần làm tốc độ loãng xương gia tăng.
Đáng lưu ý là hiện nay, cả người trẻ lẫn người lớn tuổi, đang có tình trạng lạm dụng thuốc, đặc biệt các thuốc chứa corticoid, để điều trị giảm đau xương khớp và một số bệnh lý, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có loãng xương và gãy xương.
“Nguy cơ loãng xương còn liên quan đến mật độ và khối lượng xương lúc còn trẻ. Khối lượng xương phát triển đầy đủ nhất ở tuổi trưởng thành và suy giảm dần từ tuổi 30-35 trở đi. Vì vậy, ở giai đoạn niên thiếu và tuổi trẻ nếu chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, không hợp lý, ít vận động thể lực, lạm dụng thuốc... sẽ làm sự tạo xương không đầy đủ, tăng nguy cơ loãng xương”, PGS-TS-BS Nguyễn Đình Khoa cảnh báo.
Các bác sĩ chỉ ra hậu quả của loãng xương rất nặng nề; nguy hiểm nhất là rạn xương, nứt xương hoặc gãy xương. Ở những bệnh nhân bị loãng xương nặng, chỉ cần một va chạm nhẹ cũng có nguy cơ gãy xương. Bệnh nhân loãng xương còn tăng nguy cơ các biến chứng tim mạch, hô hấp, viêm phổi... do nhập viện điều trị, phải nằm bất động. Một số biến chứng nguy hiểm khác của loãng xương là gãy lún cột sống, cong xương, cong ống chân, cong vẹo cột sống, giảm chiều cao.
Để hạn chế mắc loãng xương, các chuyên gia cảnh báo, người dân cần sử dụng các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D, tiếp xúc ánh nắng mỗi ngày, tăng cường tập luyện thể dục thể thao. Đồng thời cần tránh ăn quá nhiều thịt, thức ăn chứa nhiều muối, thức uống có chất kích thích, có gas….
Theo số liệu thống kê của Hội Loãng xương Việt Nam, hiện số người mắc bệnh loãng xương ở Việt Nam khoảng 3,2 triệu người; trong đó có hơn 2,4 triệu phụ nữ. Tỷ lệ loãng xương trong dân số trên 50 tuổi khoảng 20%-25% ở nam và 30%-40% ở nữ. Số người loãng xương ở nước ta có xu hướng tăng và ngày càng nhiều phụ nữ bị loãng xương trong độ tuổi khá trẻ. Dự báo, cả nước có hơn 4,5 triệu người bị loãng xương vào năm 2030, trong đó nữ giới chiếm 70%-80%. |