Đo mỗi nơi một kết quả
Trong vai khách hàng đi đo tật khúc xạ, chúng tôi đến một cửa hàng mắt kính trên quốc lộ 50, quận 8 (TPHCM) và được một nam nhân viên bán hàng hướng dẫn ngồi vào máy đo khúc xạ. Loay hoay một hồi bấm máy, nam nhân viên này kết luận: mắt trái cận thị 3,50, mắt phải cận thị 3,750 kèm loạn thị 0,250. Bước tiếp theo, người này yêu cầu đọc bảng chữ cái với các dòng to nhỏ khác nhau treo trên tường.
Sau một hồi kiểm tra, nhân viên bán hàng kiêm kỹ thuật viên của cửa hàng mắt kính khuyên chúng tôi cắt kính có độ thấp hơn độ hiển thị trên máy 0,250. Đến công đoạn lựa chọn gọng kính và tròng kính, chúng tôi như rơi vào “ma trận” bởi ở đây loại nào cũng có và giá nào cũng có, xuất xứ từ nhiều nước, vùng lãnh thổ khác nhau như Hàn Quốc, Italy, Đài Loan, Đức… Đặc biệt, các loại tròng kính được giới thiệu với nhiều tính năng như chống lóa, chống tia cực tím (UV), chống ánh sáng xanh…với giá rẻ nhất là 150.000 đồng/tròng. Chỉ sau 15 phút chờ đợi, một cặp kính cận thị kiêm loạn thị đã được trao cho chúng tôi chỉ với các bước kiểm tra sơ sài như thế.
Cũng với những bước kiểm tra trên, chúng tôi lại được nhân viên của một cửa hàng mắt kính khác trên đường Lê Đại Hành (quận 10, TPHCM) kết luận: cận thị 30 mắt trái và 3,250 mắt phải, không bị loạn thị. Chưa yên tâm với kết quả đo, chúng tôi tiếp tục ghé cửa hàng mắt kính trên đường Trương Định (quận 3, TPHCM) để kiểm tra lại. Nhân viên cửa hàng cho biết, mắt phải cận 4,50, mắt trái cận 3,750 và yêu cầu cắt mắt kính. Khi chúng tôi thắc mắc về kết quả đo mắt kính trong khi thị lực vẫn ổn định và chưa đeo kính bao giờ, nhân viên cửa hàng cam kết rằng thông số đó là chuẩn, máy đo thị lực của cửa hàng được đầu tư hàng tỷ đồng và được nhập từ nước ngoài, nên không bao giờ gặp sai số!
Theo thống kê của ngành y tế, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt với thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 30%-40% trên cả nước. Cùng với đó, bệnh lão hóa mắt của người già cũng khiến cho nhu cầu sử dụng kính thuốc ngày càng tăng, dẫn đến các cửa hàng mắt kính mọc lên ngày càng nhiều. Tại TPHCM, không khó để tìm một cửa hàng mắt kính với biển hiệu kính thuốc, đo mắt miễn phí bằng máy đo thị lực hiện đại kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn, giảm giá 20%, 30%, thậm chí 50% quanh năm suốt tháng. Có những con đường có đến 3-4 cửa hàng mắt kính, cửa hàng nào cũng nằm ở vị trí mặt tiền, tọa lạc ở các ngã ba, ngã tư với biển hiệu lớn, màu sắc bắt mắt, thu hút ánh nhìn của người đi đường. Mặc dù vậy, chất lượng kính và chất lượng kỹ thuật viên đo mắt ở các cửa hàng này như thế nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Dùng kính không phù hợp - hậu quả lớn
Hơn 2 tháng trước, chị Nguyễn Thị Hồng Hải (ngụ quận 10, TPHCM) đưa con gái đi đo mắt ở một cửa hàng mắt kính trên đường Lê Hồng Phong. Nhân viên ở đây kết luận con chị Hải bị cận thị 1,750 mắt trái và 1,50 mắt phải, cùng với lời tư vấn nên cho bé đeo kính để tránh tăng độ cận. Tuy nhiên, đeo kính được 2 ngày, con gái chị cảm thấy nhức đầu, chóng mặt. Chị Hải đưa con đến Bệnh viện Mắt TPHCM thì được các bác sĩ cho biết, bé chỉ bị cận thị nhẹ và chưa cần thiết phải đeo kính. Sau đó, con gái chị được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc mắt như: sử dụng thuốc nhỏ mắt, massage, tập nhìn xa và bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng có lợi cho mắt.
Theo BSCK2 Phạm Nguyên Huân, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, trong nhiều năm qua, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc tật khúc xạ - cả chưa được điều chỉnh tật khúc xạ cũng như đang đeo kính nhưng không đúng độ, chất lượng kính kém. Nguyên nhân là do kỹ thuật đo kính không đúng và cho ra một toa kính không phù hợp; chất lượng về tròng và gọng kính; kỹ thuật mài lắp kính; tư vấn sử dụng kính không chính xác. Khi đeo kính không đúng chuẩn sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần. Thị lực sau khi điều chỉnh kính không đạt được mức tối đa buộc mắt phải tự điều tiết, tạo áp lực liên tục lên đôi mắt khiến mắt nhanh mệt mỏi, hoạt động quá tải, lâu dần có thể làm mắt tăng độ nhanh.
Nhan nhản kính mát trôi nổi bán ở vỉa hè
Cùng với kính thuốc, trên các vỉa hè, lề đường TPHCM xuất hiện nhiều sạp hàng bán mắt kính giá rẻ, trôi nổi. Trong đó, kính mát là mặt hàng được bày bán nhiều và nhận được sự ưa chuộng của nhiều người, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một điểm bán kính “dạo” trên quốc lộ 1 (đoạn từ cầu vượt Tân Thới Hiệp đến Ngã tư Ga, quận 12) bày bán nhiều loại kính, giá chỉ từ 40.000-200.000 đồng/cái. Theo lời giới thiệu của chủ sạp hàng, kính ở đây có tác dụng chống nắng, chống lóa rất tốt; ngoài ra còn chống cả tia UV, giúp bảo vệ mắt khi đi ngoài đường vào buổi trưa.
BSCK2 Phạm Nguyên Huân cho biết, mục đích của kính mát là giảm lượng ánh sáng mạnh đi vào mắt, giúp cho mắt bớt chói và lọc để giảm thiểu tia UV gây hại cho các cấu trúc bên trong mắt. Do đó, chất lượng tròng kính rất quan trọng, kính mát không đơn thuần chỉ là kính có màu mà còn có những chỉ số đo lường mức độ cản tia UV. Những chỉ số này cần phải có thiết bị đo lường, mắt thường không thể nhìn thấy.
Đặc biệt, đối với trẻ em, việc phát hiện tật khúc xạ để đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ sớm rất quan trọng nhằm tránh dẫn đến tình trạng nhược thị (còn gọi là mắt lười). Nếu kính không đúng chuẩn sẽ mất đi “thời gian vàng” quan trọng này, không còn tác dụng điều chỉnh khúc xạ cũng như không có cơ hội cho trẻ em phát triển thị giác hai mắt. Nghiêm trọng hơn, đeo kính không chính xác khiến trẻ bị đau nhức mắt, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn và hạn chế hoạt động thể chất, thể thao, công việc. Về lâu dài, việc đeo kính không đúng độ sẽ gây rối loạn thị lực của trẻ.
Để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, trẻ em, BSCK2 Phạm Nguyên Huân khuyến cáo người dân nên chọn loại mắt kính có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác, có dán tem chính hãng, có mã (code) xuất xứ hàng hóa và cam kết của nhà sản xuất. Sử dụng dịch vụ khám thử thị lực, đo khúc xạ, cấp đơn kính và cung cấp dịch vụ kính điều chỉnh tật khúc xạ, tư vấn sử dụng kính tại những cơ sở có uy tín, có nhân viên được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề được cơ quan chức năng cấp.
Người dân cũng nên cắt kính theo đúng toa kính đã được cấp về độ kính, tâm kính, kích thước gọng kính … tại những cơ sở uy tín, lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu. “Nếu sử dụng kính đeo mắt khoảng 1 tuần mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, cần quay lại nơi làm kính để được kiểm tra và điều chỉnh hoặc đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám thêm”, BSCK2 Phạm Nguyên Huân lưu ý.
Việc quản lý bị… buông lỏng
Theo một chuyên gia các bệnh về mắt, dịch vụ khám thử thị lực, đo khúc xạ, cấp đơn kính và cung cấp dịch vụ kính điều chỉnh tật khúc xạ là dịch vụ được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 43/2013/TT-BYT, Quyết định 3906/QĐ-BYT năm 2012 và Quyết định 5669/ QĐ-BYT năm 2021. Theo các quy định, người hành nghề tại cơ sở dịch vụ kính thuốc phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh phạm vi hành nghề chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt.
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở dịch vụ kính thuốc phải có trình độ trung cấp y trở lên, được cấp chứng chỉ hành nghề về chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt; có thời gian hành nghề chuyên khoa mắt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc ít nhất là 36 tháng. Tuy nhiên, thực tế, vì lợi nhuận, không ít cơ sở kinh doanh đã không thực hiện đúng các quy định này và việc quản lý bị bỏ ngỏ, buông lỏng. Đây là nguyên nhân khiến cho các toa kính thuốc được đưa ra không đúng, ảnh hưởng lớn đến thị lực và sức khỏe của người dùng.