Lành mạnh hóa thị trường
Tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD. Ấn tượng hơn khi kim ngạch xuất khẩu rau củ quả tăng trong bối cảnh diện tích sản xuất nông sản ngày càng thu hẹp. Điều này cũng chứng minh doanh nghiệp và nông dân hoàn toàn có thể sản xuất được sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng tại thị trường nội địa, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với tình trạng thực phẩm thiếu an toàn về chất lượng.
Một trong những nguyên nhân là do tâm lý người sản xuất vẫn ưu tiên xuất khẩu sản phẩm tốt, sạch; còn sản phẩm bị lỗi hoặc kém an toàn lại đem ra phân phối trên thị trường nội địa. Mặt khác, việc xử lý những hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa chặt chẽ. Người tiêu dùng vẫn bị tâm lý muốn sử dụng hàng sạch nhưng giá phải rẻ, khiến người sản xuất sản phẩm sạch khó tồn tại trên thị trường.
Đại diện Công ty Gạo Trung An băn khoăn, hiện đang “loạn” cửa hàng bán sản phẩm sạch. Đơn cử tại TPHCM có hàng ngàn cửa hàng bán sản phẩm sạch nhưng không biết có thực sự sạch hay không. Thực tế này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch chân chính.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc tìm quỹ đất sạch để canh tác sản phẩm nông sản hữu cơ không dễ, bởi hầu hết diện tích đất tại nhiều tỉnh thành đang bị ô nhiễm do thời gian dài thẩm thấu nước thải ô nhiễm.
Trong khi đó, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, doanh nghiệp muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị Co.opmart phải chứng minh được sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, để doanh nghiệp đạt được chứng nhận trên do cơ quan quản lý cấp không phải chuyện dễ dàng. Do vậy, cơ quan chức năng cần thiết tăng cường nhận diện giải pháp giúp cộng đồng nhận diện đâu là sản phẩm sạch thật sự trên thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, rào cản phát triển sản phẩm sạch ra thị trường. Mặt khác, tăng cường biện pháp chế tài với những sản phẩm không có chứng nhận sạch nhưng vẫn tự nhận… sạch để lành mạnh hóa thị trường.
Tỉnh táo với hàng giá rẻ
Để nâng cao hiệu quả cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, hiện TPHCM đã và đang triển khai kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, chỉ mới thực hiện 2 chiều là cơ quan quản lý với nông dân nên cần thiết phải có sự kết hợp của “4 nhà” là nhà quản lý, nhà nông, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề.
Theo đó, lãnh đạo cơ quan chức năng, địa phương có quy hoạch vùng nông nghiệp phải giám sát toàn bộ quá trình trồng trọt nông sản theo những tiêu chuẩn quy định. Doanh nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật canh tác cho nông dân. Riêng doanh nghiệp phân phối phải đảm trách khâu bao tiêu sản xuất nông sản sạch. Về phía cơ quan chức năng và hiệp hội ngành hàng tổ chức chứng nhận sản phẩm an toàn đạt chuẩn hội nhập.
Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, ngoài việc doanh nghiệp và nông dân tự xoay sở sản xuất sạch còn rất cần thêm vai trò hỗ trợ của các cơ quan chức năng, hội xúc tiến quảng bá, chứng nhận cũng như kết nối sản phẩm an toàn ra thị trường trong và ngoài nước.
Về phía các cơ quan chức năng, cần chấm dứt việc chồng chéo trong khâu xử lý hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, vốn đã tạo kẽ hở cho sản phẩm bẩn tồn tại tràn lan trên thị trường. Ngoài những giải pháp tăng cường từ phía cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nông dân sản xuất thì ý thức người tiêu dùng cũng rất quan trọng.