Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) về trường hợp tiêm đủ 2 mũi vaccine, chỉ tiếp xúc trong thời gian ngắn với F0 trong thang máy, họ đủ điều kiện cách ly tại nhà nhưng vẫn phải cách ly tập trung gây lãng phí, bất tiện, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đại dịch Covid-19 chưa từng có trong tiền lệ, nhiều quốc gia cũng phải điều chỉnh chính sách để thích ứng với tình hình dịch, chung sống an toàn với dịch. Dựa trên tỷ lệ tiêm chủng và diễn biến tình hình dịch để đánh giá cấp độ dịch nhằm áp dụng các biện pháp triển khai liên quan đến các hoạt động ngoài trời, hoạt động giao thông vận tải, chuẩn bị cơ sở vật chất phải đảm bảo, y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức… chủ động các biện pháp phòng, chống dịch. Tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương để đảm bảo cách ly linh hoạt an toàn. Với những khu chung cư đông người, bộ đã có hướng dẫn cách ly tập trung hoặc tại nhà theo từng trường hợp cụ thể.
Cho rằng câu trả lời chưa rõ, ĐB Nguyễn Mạnh Cường sử dụng quyền tranh luận: “Cụ thể với trường hợp ở Hà Nội thì sao”? Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đáp: “Bộ đã có hướng dẫn rất cụ thể, nếu áp dụng vào trường hợp ĐB nêu thì không phải cách ly tập trung mà chỉ xét nghiệm 1 lần, âm tính thì cách ly, theo dõi tại nhà 7 ngày mà thôi”.
Cũng liên quan đến chính sách cách ly phòng dịch, ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: "Nghị quyết 128 của Chính phủ được nhân dân đánh giá cao, nhưng thực tế có sự áp dụng khác nhau giữa các địa phương. Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp để triển khai thống nhất thực hiện trên toàn quốc”?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: "Dịch Covid-19 là một đại dịch chưa có trong tiền lệ. Nhiều quốc gia đã phải điều chỉnh chính sách trong từng giai đoạn theo diễn biến tình hình dịch bệnh. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia cũng đã điều chỉnh thích ứng an toàn, chung sống an toàn với Covid-19. Sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả, linh hoạt với dịch. Nghị quyết này có một số điểm đáng chú ý là các địa phương sẽ đánh giá cấp độ dịch dựa trên tình hình tại địa phương mình, cân nhắc cả tiến độ tiêm chủng và năng lực y tế, từ đó đưa ra giải pháp áp dụng sát với tình hình thực tiễn”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, các địa phương cũng đã đánh giá về cấp độ dịch trên từng địa bàn và theo khuyến cáo quy định của Nghị quyết 128 đến cấp xã, ở quy mô nhỏ nhất có thể. Giải pháp thì Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế đã hướng dẫn rất rõ từ việc tổ chức các hoạt động ngoài trời, hoạt động giao thông, lưu thông hàng hóa, giáo dục đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác.
“Các địa phương cần tuân thủ theo nghị quyết và quyết định này”, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, để thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả thì việc chuẩn bị cơ sở vật chất về y tế là hết sức quan trọng. Các địa phương phải chuẩn bị về cơ sở vật chất, đặc biệt là những chuẩn bị về hệ thống y tế, trong đó có hạ tầng, y tế cơ sở, thành lập trung tâm hồi sức, giường cấp cứu…
“Hiện nay có một số địa bàn, một số nơi lơ là, mất cảnh giác. Cần liên tục có những biện pháp về phòng chống dịch, làm thế nào để triển khai đồng bộ, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch từng địa phương, có nhiều địa phương triển khai những biện pháp khác nhau”, Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo. |
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ quan ngại về tình trạng loạn giá xét nghiệm Covid-19, mỗi nơi một giá, có nơi 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm nhanh. "Có lợi ích nhóm không? Tại sao có chuyện này xảy ra, trách nhiệm của bộ trưởng là gì?"
Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là một trong bốn quốc gia phân lập thành công virus và giải trình tự gene virus. Bộ Y tế đã quan tâm đầu tư sản xuất sinh phẩm (kit xét nghiệm).
"Chúng ta đã hỗ trợ thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên, hiện có hai đơn vị sản xuất cái này. Hai đơn vị chuyển giao từ nước ngoài. Chúng tôi đang thúc đẩy để đảm bảo đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra có hai đơn vị sản xuất được kit kháng thể. Phương châm là làm sao chúng ta sẽ chủ động được kit xét nghiệm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua... nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm... Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm...
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm,... phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật.