Bãi xe tồn tại hơn 20 năm
Một bãi giữ xe ở hẻm 196 đường Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) đã tồn tại gần 20 năm nay. Phần đông người gửi là sinh viên Viện ISB Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Lúc cao điểm có hàng chục xe gắn máy được xếp thành 2 hàng trong con hẻm nhỏ. Hơn 8 giờ, căn nhà số 196bis C đã chứa đầy xe gắn máy. Chủ phương tiện đến muộn đã được chủ bãi xe sắp xếp theo hàng ngang, bịt kín lối ra vào. Gần đó, bên ngoài hẻm, xe gắn máy được xếp thành 2 hàng. Thế nhưng, trước cửa nhà chỉ có một cụ bà trông giữ. Không biết khi có sự cố xảy ra thì sẽ giải quyết ra sao. Cách đó không xa, trên con ngõ nhỏ, có đoạn chỉ vừa 1 chiếc xe gắn máy lưu thông và nối với đường Nguyễn Văn Nguyễn cũng có 1 bãi giữ xe. Hẻm nhỏ, xe gắn máy dựng chân chống đứng sát tường. Khi chúng tôi chạy đến, một thanh niên đang ngồi uống cà phê phải đứng dậy để nhường đường.
Về vấn đề này, ông T.V.L, một người dân sống lâu năm ở hẻm 196 đường Trần Quang Khải, cho biết: “Các bãi xe đã tồn tại trong khu vực này hơn 20 năm rồi. Có thời điểm, chính quyền địa phương đã mạnh tay chấn chỉnh. Nhưng, sau đó thì lại thả nổi như hiện nay. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần, nhưng tình hình vẫn chưa được chấn chỉnh”. Đầu tháng 11-1997, Chủ tịch UBND phường Tân Định, quận 1 Lê Văn Thanh đã ký Thông báo số 13/TB-UB. Thông báo nêu rõ: “Buộc các hộ ở hẻm 196 đường Trần Quang Khải phải chấm dứt ngay việc giữ xe trái phép… Đề nghị Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế thông báo cho tất cả sinh viên không gửi xe cho các hộ trong hẻm”. Đó có lẽ là thời điểm chấn chỉnh kiên quyết nhất đối với các hộ trông giữ xe ở khu vực này.
Không chỉ trên đường Trần Quang Khải, tại TPHCM không khó khăn gì để tìm một bãi giữ xe tự phát, mà mức độ an toàn chỉ hy vọng vào… may mắn.
Mỗi nơi mỗi giá
Ngoại trừ những bãi giữ xe ở chung cư cao cấp, TTTM, cao ốc cho thuê văn phòng… có quẹt thẻ, niêm yết giá rõ ràng, nhiều bãi xe khác (trong đó phần đông là bãi giữ xe chưa được phép) đều tiếp nhận gửi xe với thủ tục đơn giản và giá cả tùy tiện. Đặc biệt là xung quanh khu vực các trường học, bệnh viện… Lâu nay, lề đường Đặng Thái Thân, sát bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, phường 11, quận 5 đã trở thành các bãi trông giữ xe. Bãi xe không trưng bảng và do vậy cũng không có giá rõ ràng. Bà Nguyễn Ngọc Huyền, 32 tuổi, nhà ở phường Thới An, quận 12, cho biết: “Người nhà tôi nằm điều trị ở bệnh viện hơn 10 ngày, không lần nào tôi được gửi xe trong bệnh viện vì đã quá tải. Gửi bên ngoài thì chỉ cầu mong may rủi, bởi bãi xe không có bảng và họ chỉ giao cho mình một cái thẻ bọc nhựa cứng. Đương nhiên, khi bị mất xe hay trầy xước thì không biết sẽ giải quyết ra sao. Giá cả tùy tiện, cao hơn bãi xe ở TTTM, cao ốc văn phòng hay trong bệnh viện… Thông thường giá 10.000 đồng/lượt, nhưng nhiều lúc họ tăng giá gấp đôi”.
Theo ghi nhận, giá giữ xe tại nhiều TTTM, cao ốc văn phòng… cũng không thống nhất. Một TTTM ở tầng trệt của cao ốc văn phòng tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh có giá giữ xe ban ngày là 5.000 đồng/lượt. Nhưng, nếu mua sắm hàng hóa có hóa đơn 300.000 đồng thì khách hàng được phát phiếu giữ xe miễn phí. Một TTTM khác ở đường song hành xa lộ Hà Nội (quốc lộ 52) lại miễn phí hoàn toàn. Trong khi đó, giá giữ xe ở các chung cư cao cấp, chung cư bình thường lại tính theo ngày, đêm. Thông thường, giá giữ xe ban ngày là 5.000 đồng/lượt, nhưng qua đêm là 15.000-20.000 đồng. Căng thẳng nhất là giá giữ xe ở các cao ốc văn phòng tại khu vực trung tâm thành phố, bởi được tính theo giờ. Ông Lê Duy An, 42 tuổi, nhà ở quận Tân Phú, cho biết: “Tôi được mời dự hội nghị ở một cao ốc trên đường Đồng Khởi, quận 1. Dự hội nghị xong, họ mời tham gia tiệc buffet. Khi lấy xe thì bị tính giá hơn 40.000 đồng, biết vậy tôi đi xe công nghệ cho khỏe”.
Mặc dù, nhiều bệnh viện, trường học đã dành thêm diện tích cho bãi giữ xe… nhưng, với thực trạng quá tải như hiện nay vẫn chưa đủ nhu cầu. Đó là chưa kể tình hình bãi xe tự phát ở nhiều khu phố. Cụ thể, như khu phố ở hẻm 160 đường Nguyễn Tri Phương, phường 9, quận 5, TPHCM. Mặc dù, khu phố này có nhà để xe, nhưng do sự phát triển dân số cơ học, lượng xe gắn máy phát sinh lớn, các hộ dân buộc lòng phải để xe gắn máy ngoài hẻm. Từ đó phát sinh các bãi giữ xe trái phép với giá trông giữ tùy tiện, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông... trong khu vực.