Ngày 25-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết trong 6 tháng qua, hiệu quả phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn rất hạn chế, các giải pháp kéo giảm tội phạm hình sự chưa hiệu quả, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong 6 tháng qua, Bộ Công an đã điều tra, khám phá 21.071 vụ phạm pháp hình sự, bắt 45.570 đối tượng (đạt tỷ lệ 82,25%), án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%; triệt phá 1.392 băng nhóm tội phạm các loại. Cùng với đó phát hiện, đấu tranh 9.948 vụ phạm tội về kinh tế, 168 vụ tội phạm về tham nhũng, 1.139 vụ buôn lậu, 2.733 vụ sản xuất, vận chuyển hàng cấm (không tính các vụ tội phạm về ma túy).
Theo BCĐ 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt, nổi lên tình trạng vận chuyển ma túy, buôn bán hàng hóa sản xuất từ bên ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác “made in Vietnam” để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong 6 tháng qua, đã phát hiện và xử lý 10.517 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.007 tỷ đồng, khởi tố 20 vụ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra 29.283 doanh nghiệp, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.819 tỷ đồng…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận kết quả giảm 0,99% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018, tỷ lệ điều tra và khám phá tội phạm đạt ở mức cao, vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đạt nhiều kết quả. Những kết quả trên góp phần kéo giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra, việc ngăn chặn ma túy qua biên giới còn nhiều bất cập; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” vẫn phức tạp, tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra ở nhiều địa phương… Đặc biệt, một số loại tội phạm gia tăng như giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, dâm ô trẻ em. Tỷ lệ điều tra, khám phá án ở một số địa phương rất thấp, không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, tình trạng hàng giả, hàng có nguồn gốc nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp…
Theo Phó Thủ tướng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Một số cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy chế, quy trình công tác, có biểu hiện bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê”, vi phạm pháp luật, tham nhũng khi thi hành công vụ…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng (công an, hải quan, quản lý thị trường, cảnh sát biển, biên phòng, thuế). Kiên quyết xử lý các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đối với tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, “tín dụng đen”, khai thác trái phép tài nguyên, cát sỏi, buôn lậu… cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Công thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất hàng hóa, tỷ lệ để được gọi là hàng hóa Việt Nam, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, không để bị lợi dụng, để lừa dối khách hàng, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài để hưởng ưu đãi về thuế áp dụng cho hàng hóa Việt Nam. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép hoạt động mua bán người, vận chuyển trái phép chất ma túy. Nếu địa bàn nào hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu (đồn trưởng), nếu đủ kết luận có tiêu cực thì phải xử lý nghiêm. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển phối hợp với lực lượng khác xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, các loại hàng hóa qua biên giới.
TPHCM phát hiện 21.181 vụ vi phạm Tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, từ đầu năm đến nay TP đã kiểm tra, phát hiện 21.181 vụ vi phạm. Trong đó, hàng cấm, hàng nhập lậu 1.904 vụ; gian lận thương mại 18.929 vụ; 348 vụ hàng giả. Tổng số tiền xử lý vi phạm thu được nộp vào ngân sách nhà nước hơn 3.940 tỷ đồng. Điển hình, các cơ quan chuyên trách tại TPHCM mới kiểm tra, phát hiện 18 kho hàng trên đường Phạm Văn Chí (quận 6), với các lỗi vi phạm như: không xuất trình được hóa đơn chứng từ (32.000 sản phẩm các loại); lắp ráp, sản xuất các mặt hàng thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy nhưng không thực hiện chứng nhận hợp quy; hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt với hơn 53.000 sản phẩm; hàng cấm kinh doanh là đồ chơi có hại đến sức khỏe, nhân cách trẻ em… Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thị trường, cũng như tác động xấu đến nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Hàng hóa thường được các đối tượng nhập lậu qua đường biển, đường hàng không, đường bộ và đường sắt, sau đó chứa trữ tại các kho bãi lớn trên địa bàn TPHCM. “Đặc điểm chung của những kho bãi này là nằm xa trung tâm TP, diện tích chứa trữ lớn, xa khu dân cư sinh sống nhằm tránh sự chú ý của lực lượng chức năng và người dân xung quanh. Đa số mặt hàng nhập lậu có giá trị lớn, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu chính ngạch. Phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đó là công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân về chống hàng giả, hàng nhái… chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến nhận thức sâu rộng. Mặt khác, hiện nay thủ tục thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, khi cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm, tiến hành xác minh trụ sở, địa bàn của doanh nghiệp thì không có. Còn người đại diện theo pháp luật lại là người được các đối tượng thuê, nhiều trường hợp người đại diện còn bị mất hành vi dân sự. Do vậy, việc kiểm tra, xử lý đối tượng chủ mưu gặp nhiều khó khăn, thậm chí không xử lý được đối tượng này. Để xử lý hiệu quả tình trạng trên, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, trong thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời TP tăng cường công tác phối hợp hoạt động của các lực lượng chức năng trên địa bàn TPHCM; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân. Song song đó, TP cũng kiến nghị cơ quan trung ương hoàn thiện quy định pháp luật về xử phạt vi phạm đối với các vụ kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc. |
Vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 25-7, tổ công tác của Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TPHCM phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Thanh Tuấn (SN 1972, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) điều khiển ô tô 51B-32358 vận chuyển 20 thùng các tông, bên trong chứa thực phẩm chức năng giả một số nhãn hiệu nổi tiếng giao cho Nguyễn Đình Thái Dương tại một căn nhà nằm trong hẻm 64 đường Hòa Bình, phường 5, quận 11. Khám xét căn nhà trên, tổ công tác phát hiện hai đối tượng nữ là Trần Thị Châu Thanh (SN 1982) và Thạch Đết (SN 1992) đang thực hiện hành vi sản xuất thực phẩm chức năng giả. Mở rộng khám xét tại nhiều địa điểm khác trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, cơ quan công an thu giữ thêm nhiều tang vật liên quan đến đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả này. Lời khai ban đầu của các đối tượng cho thấy phương thức làm giả thực phẩm chức năng là mua sản phẩm cùng loại với sản phẩm muốn làm giả (có giá thành thấp hơn nhiều), sau đó xé bỏ nhãn mác nguyên bản, dán nhãn mác của sản phẩm làm giả lên rồi đóng thùng, mang đi tiêu thụ. Đến chiều tối 25-7, số đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả này được xác định là 7 người, trong đó đối tượng cầm đầu là Nguyễn Đình Lạc Thư. ÁI CHÂN |