Tránh bệnh hình thức
Lâu nay, vấn đề thi đua còn mang tính hình thức đã được đề cập rất nhiều. Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh nêu một thực tế, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 122 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, giờ đây danh hiệu này đã trở nên quá phổ biến. Nhiều nơi hàng năm đạt trên 80%, thậm chí trên 90% gia đình văn hóa.
“Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện danh hiệu này và chỉ dừng lại ở đây thì rất khó để tìm được hạt nhân điển hình thúc đẩy thi đua. Ý nghĩa của danh hiệu này sẽ kém dần qua thời gian và người ta cũng bớt đi sự trân trọng, vì hầu như gia đình nào cũng đạt”, ông Trần Quang Minh nói. Thực tế, ở nhiều tỉnh, thành, đa số hộ gia đình cứ cuối năm thì được đại diện tổ dân phố, thôn xóm đến trao danh hiệu Gia đình văn hóa, mà không cần biết trong năm, gia đình có đạt tiêu chí không.
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), cho rằng, lĩnh vực nào cũng cần thi đua để khuyến khích tập thể, cá nhân làm việc tốt. Nhưng nếu thi đua chỉ để cho có phong trào, thì người làm tốt sẽ không muốn thi đua, còn người mắc bệnh thành tích, “khéo miệng”, khéo xin lại dễ được khen thưởng. “Tuyệt đối không để thi đua chạy theo hình thức vì sẽ làm tốn kém nguồn lực xã hội, làm căn bệnh giả dối trong xã hội gia tăng”, ông Nguyễn Viết Chức nói.
Thi đua phải gắn với công việc hàng ngày, không phải theo kiểu “trống giong cờ mở”, phát động rầm rộ xong để đó. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết TĐKT của thành phố năm 2021 đã nhấn mạnh, công tác thi đua phải ngày càng đúng với những giá trị đích thực như Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...”. Và nền tảng của thi đua là những công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, công tác TĐKT phải hướng mạnh về cơ sở và địa bàn dân cư, tiếp cận mọi ngành nghề, nhất là đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, các thành phần kinh tế.
Ngày 30-1-2023, tại lễ phát động thi đua năm 2023 tổ chức tại Tuyên Quang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cần tiếp tục đổi mới, thiết thực và hiệu quả hơn nữa phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từng ngành, địa phương, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo chặt chẽ các phong trào thi đua với mục tiêu rõ ràng, nội dung phù hợp, biện pháp khả thi để thu hút sâu rộng mọi tầng lớp, lứa tuổi, trải khắp mọi ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. “Làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành nếp sống hàng ngày, trở thành nhu cầu bằng các lợi ích thiết thân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương, khi chủ trì phiên họp lần thứ 4 của hội đồng vào ngày 7-2-2023 đã yêu cầu tổ chức các phong trào thi đua phải phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đảm bảo khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức. TĐKT phải xuất phát từ nhân dân. Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phong trào thi đua; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới nhân dân và vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới, tránh hình thức. Tổng Bí thư yêu cầu, đưa công tác TĐKT thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, một công cụ quản lý nhà nước và là động lực để xây dựng con người mới.
Ưu tiên người lao động trực tiếp
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót (tỉnh Điện Biên) - 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu được Bộ GD-ĐT khen thưởng, tri ân trong năm 2022 vì thành tích đỡ đầu 26 học sinh nghèo. Dù cuộc sống nơi vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng nhâu hậu, cô chấp nhận gánh thêm nhiều vất vả, đỡ đầu nhiều học sinh, nhỏ nhất 4 tuổi và lớn nhất 18 tuổi. Câu chuyện của cô gây xúc động mạnh mẽ khi được kể lại trong lễ khen thưởng, bởi “một tấm gương sống giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Khen thưởng chính là động lực của công tác thi đua. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu. Khen thưởng không đúng, phải thu hồi danh hiệu sẽ trở thành “trò cười” và bản thân những người được khen thưởng đó sẽ tự mãn. Do đó, TĐKT nếu không được làm chặt chẽ cũng dễ trở thành lĩnh vực tiêu cực.
Luật sư Hà Trọng Đại, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, có những cán bộ, công chức, viên chức được tặng bằng khen, giấy khen khá dễ dàng, điều đó có thể làm “hư” cán bộ. “Tôi cho rằng, khi đã được tặng thưởng bằng khen, giấy khen thì phải có thành tích xuất sắc, nổi trội, được đo bằng hiệu quả công việc cụ thể, đóng góp bằng trí tuệ. Còn hoàn thành công việc là hết sức bình thường, không cần có giấy khen, bằng khen”, luật sư Hà Trọng Đại nêu quan điểm. Từ thực tế tham gia bào chữa cho bị cáo trong các vụ án hình sự của mình, luật sư Hà Trọng Đại cho biết, hầu như bị cáo nào là quan chức cũng đều có nhiều giấy khen, bằng khen và khi bị đưa ra xét xử họ đều nộp các loại giấy khen để mong được giảm tội. “Khen thưởng quá dễ dàng, rồi sử dụng danh hiệu như tình tiết giảm nhẹ thì các hình phạt không còn đủ sức răn đe với tội phạm tham nhũng”, luật sư Hà Trọng Đại nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Viết Chức, ngay cái tên Huân chương Lao động cũng đã nói lên nhiều điều, là để khen người lao động. Nếu khen thưởng theo cấp bậc là “hỏng”. Do đó, cần chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp, có sản phẩm giá trị với xã hội, đất nước. “Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, không phân biệt. Nếu khen thưởng tràn lan, theo cấp bậc thì khen thưởng đó dễ thành đồ trang trí cho con đường thăng tiến của nhiều người”, TS Nguyễn Viết Chức nêu.
Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang thừa nhận, thực tế, tỷ lệ khen thưởng cấp Nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, số lượng tập trung vào khen niên hạn trong lực lượng vũ trang, khen thưởng quá trình cống hiến. Có trường hợp đề nghị vận dụng khen thưởng chưa đúng quy định; bình xét danh hiệu thi đua và khen thưởng còn nể nang, cào bằng, luân phiên.
Luật TĐKT 2022 đã chú ý hơn đến đối tượng mà từ trước đến nay thường được cho là nằm ở “góc khuất” của TĐKT, đó là tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Đây là điểm rất quan trọng để người dân thấy được đối xử công bằng, được tôn trọng. Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, khen thưởng phải hướng đến người lao động trực tiếp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất. Cũng cần hết sức tránh tình trạng người trực tiếp làm thì ít được khen thưởng, còn thủ trưởng lại hay được khen thưởng, điều đó là không đúng với tinh thần TĐKT của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2022, TPHCM xác định nỗ lực 200% sức lực để đạt được mục tiêu lấy lại những gì đã mất trong đại dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế trên 6%/năm. Song, kết quả ngoài mong đợi, thành phố đã tăng trưởng trên 9%, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt. Hầu hết các lĩnh vực đều phục hồi nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tốt hơn. Phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, ngày càng xuất hiện nhiều cách làm mới, năng động, sáng tạo với tinh thần dám nghĩ, dám làm và ngày càng thực chất hơn
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên