Tuy nhiên, về khoản 2 Điều 38, mục 2, Chương III của Nghị định 38 quy định các hành vi vi phạm về quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử đang có những ý kiến trái chiều.
Cụ thể, có nhiều ý kiến quan ngại với quy định “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây”; “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài”, sẽ gây thiệt thòi cho các cơ quan báo chí, khi so sánh với những nền tảng quảng cáo xuyên biên giới như Google, Facebook, cho phép người xem bỏ qua quảng cáo sau ít nhất 5 giây.
Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, quảng cáo trên báo chí của doanh nghiệp trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định của nghị định này, trong khi đó, doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới vô tình được hưởng lợi bởi tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động của họ.
Để đăng quảng cáo trên báo chí hoặc kênh chính thống, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng nhiều thủ tục, từ pháp lý đến chất lượng sản phẩm dịch vụ. Ở mặt tích cực, các thủ tục này giúp kiểm soát tốt hơn về nội dung cũng như cách thức xuất hiện quảng cáo. Trong khi đó, quảng cáo trực tuyến với không ít lỗ hổng đang dần trở thành mảnh đất béo bở để quảng cáo không phép, quảng cáo phản cảm lộng hành.
Thời gian gần đây, rất nhiều clip, hình ảnh, nội dung quảng cáo trực tuyến phản cảm khiến người xem bực mình; nội dung, hình ảnh quảng cáo trực tuyến thường xuất hiện chen vào giữa nội dung, ảnh hưởng cảm xúc của người xem.
Nhiều quảng cáo không dừng lại nếu người xem không bấm nút bỏ qua, thậm chí nhiều quảng cáo còn buộc người xem phải xem hết nội dung mà không được lựa chọn tắt. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trang tin điện tử, báo điện tử dễ dãi trong cách cho phép quảng cáo để câu view, quảng cáo chen vào nội dung tin bài…
Thực tế hiện nay, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang gặm dần thị phần quảng cáo trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Facebook và Google hiện dẫn đầu về thị phần và doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, với trên 80% tổng doanh thu.
Mỗi năm, tổng doanh thu của các báo điện tử Việt Nam chỉ trên 4.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%-25% trong tổng chi phí quảng cáo trực tuyến (khoảng 14.500 tỷ đồng), như vậy, mỗi năm có hơn 10.000 tỷ đồng đã chui vào túi các tập đoàn quảng cáo xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, quy định luật pháp trong lĩnh vực quảng cáo hiện vẫn còn một số bất cập. Đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, mặc dù đã có Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo (ban hành ngày 14-11-2013) nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia cung cấp dịch vụ, nhất là về vấn đề kiểm duyệt nội dung sản phẩm trước khi quảng cáo.
Chưa kể, trong Luật Quảng cáo, các quy định về xử phạt vi phạm có thể dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu và áp dụng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện quảng cáo và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Về quảng cáo trên các phương tiện điện tử, khoản 2 Điều 24 của Luật Quảng cáo có đề cập song còn khá chung chung: “Quảng cáo bằng các hình thức khác trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phải tuân theo các quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Nghị định 38 được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả thực thi pháp luật trong quản lý văn hóa, quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong nghị định khá cứng nhắc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tự chủ của nhiều cơ quan báo chí.
Để góp phần mang lại sự bình đẳng, lành mạnh cho môi trường truyền thông mạng, tạo điều kiện cho quảng cáo trực tuyến phát triển đúng hướng, dư luận mong mỏi có một hành lang pháp lý phù hợp để loại bỏ hoạt động quảng cáo gây ức chế người tiêu dùng.