Loại bỏ phương thức tuyển sinh không hiệu quả

Ngày 3-3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyển sinh đại học năm 2023. Vấn đề quá nhiều phương thức tuyển sinh mà các trường đại học đưa ra trở thành điểm “nóng”.

4 lĩnh vực bị thí sinh “chê”

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết, năm 2022, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất với 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%... Trong khi đó, những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê 0,40%…

Tư vấn đăng ký tuyển sinh tại một trường đại học ở TPHCM Ảnh: GIA HƯNG

Tư vấn đăng ký tuyển sinh tại một trường đại học ở TPHCM Ảnh: GIA HƯNG

Công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và cơ sở đào tạo còn bất hợp lý. Số ngành tuyển kém/tổng số ngành là 94/440. Trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực: nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều là những lĩnh vực tuyển sinh kém nhất, đạt từ 49,1% đến 61,36% chỉ tiêu.

Về tỷ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo các phương thức xét tuyển, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm đa số, với 47,98%; xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ) 37,18%; xét tuyển thẳng 0,25%; thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển chiếm 1,31%; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển 0,65%; kết hợp kết quả học tập THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển 0,5%…

Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học. Các trường cần chủ động đánh giá hiệu quả các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển, từ đó loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, giải trình minh bạch cho xã hội.

Tháng 9: Khai giảng năm học mới

Bộ GD-ĐT cũng công bố, công tác tổ chức tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định. Điểm mới là áp dụng điểm ưu tiên có hiệu lực từ năm 2023: điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần; thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÝ TRẦN

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÝ TRẦN

Năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1; tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh. Năm 2022, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến phải đăng ký ngành học kèm theo phương thức xét tuyển tương ứng. Trong số 20 phương thức tuyển sinh, một số phương thức có tên gần giống nhau, khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn, dẫn đến trượt đại học. Do đó, từ năm 2023, dự kiến thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành. Năm nay sẽ tuyển sinh sớm, bảo đảm tháng 9 là các trường khai giảng năm học mới.

Trước ý kiến thắc mắc của các trường về phương thức xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, bộ đã hoàn thành, nghiệm thu cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Ngay trong năm 2023, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành (HEMIS).

“Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng cũng như cho thí sinh. Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm, mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT... để có thể tổ chức xét tuyển chung”, Thứ trưởng Sơn Hoàng Minh nói.

MỐC THỜI GIAN TUYỂN SINH ĐÁNG CHÚ Ý

- Thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước ngày 30-6, nhận kết quả trước 5-7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước 17 giờ ngày 15-8.

- Với các phương thức xét tuyển sớm, các trường hoàn thành và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống từ ngày 4-7.

- Từ ngày 5-7 đến 17 giờ ngày 25-7: đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định.

- Ngày 20-7: công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

- Từ ngày 26-7 đến 17 giờ ngày 5-8: nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

- 17 giờ ngày 14-8: hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

-17 giờ ngày 30-8: Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Tin cùng chuyên mục