Theo đó, CCHC phải liên thông, đồng bộ và ứng dụng CNTT mới phát huy tác dụng. Sở Xây dựng phải rà soát những quy trình đã xây dựng, những nội dung nào không phù hợp thì loại bỏ; những nội dung nào chưa có quy trình thì nhanh chóng xây dựng nhưng không đẻ thêm thủ tục; xây dựng quy trình phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, ai đứng ngoài cuộc thì loại trừ.
Ngoài ra, phải có quy trình xử lý tình huống phát sinh, nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân. Đối với việc liên thông với các sở ngành thì phân tích xem những quy trình nào không phát sinh thủ tục để loại bỏ, vướng mắc thì khắc phục.
Ngoài ra, ông Võ Văn Hoan cũng yêu cầu Sở Xây dựng chuẩn bị để triển khai đề án thành lập đội quản lý trật tự xây dựng.
Một số ý kiến của các thành viên đoàn kiểm tra cho biết thêm, qua kiểm tra hồ sơ tại sở còn có một số hồ sơ trễ hẹn, chưa có quy định thống nhất về xử lý hồ sơ giấy và trực tuyến...
Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết: Trong thời điểm hai năm 2019- 2020, nhiều quy định pháp luật (trừ pháp luật về Luật Nhà ở) liên quan đến lĩnh vực xây dựng thay đổi rất nhiều nên phải xây dựng lại quy trình dẫn đến một số hồ sơ trễ hẹn. Ngoài ra, hiện nay nhân sự tại sở cũng rất thiếu, vừa qua sở tổ chức tuyển dụng nhưng ít người tham gia...
Về CCHC, ông Khiết kiến nghị cần có sự liên thông, đồng bộ ở từng khâu mới phát huy kết quả tốt được. Ví dụ, TP cần có một tài khoản để người dân có thể nộp phí và lệ phí trong lĩnh vực xây dựng vì tất cả các khâu có thể thực hiện trực tuyến nhưng đến khâu nộp phí, lệ phí vẫn phải chạy ra kho bạc hay ngân hàng nộp trực tiếp cũng không phát huy hết tác dụng...