Theo ông Hoàng Trung, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT để xem xét loại bỏ 3 hoạt chất gồm Fipronil, Chlorpyrifos và Glyphosate. Đặc biệt là hoạt chất Glyphosate được cảnh báo gây ung thư.
Viện dẫn bằng chứng hiện nay có 36 nước và EU đã có những động thái khác nhau nhưng đều có xu thế cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate và trước đây đã có những bằng chứng chứng minh chất Glyphosate gây ung thư, ông Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật xác định việc loại bỏ các hoạt chất không đảm bảo chất lượng là để bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, dù có nhiều tranh cãi, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tham mưu cho Bộ NN-PTNT cấm sử dụng hoạt chất Glyphosate.
Hoạt chất thứ hai là Chlorpyrifos được dùng khá lâu ở nước ta. Hoạt chất này cũng rất độc, hiện nay người dân có xu hướng tăng liều lượng sử dụng thuốc này vì sâu bệnh đã thể hiện tính kháng bệnh. Một số nước trên thế giới đã đưa vào danh sách cấm sử dụng, và chúng ta cũng sẽ loại bỏ trong thời gian tới. Hoạt chất thứ ba là Fipronil, là hoạt chất thuốc trừ sâu độc hại và cũng sẽ phải loại bỏ.
Trước đó, theo ông Hoàng Trung, trong năm 2017, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT loại bỏ 6 hoạt chất. Ngày 28-8 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có quyết định tiếp tục loại bỏ 4 hoạt chất ra khỏi “Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam”, gồm Acephate, Diazinon, Malathion, Zinc phosphide.
Đối với 4 hoạt chất vừa mới loại bỏ, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm tại Việt Nam sử dụng từ 3.000 - 5.000 tấn mỗi loại. Còn đối với hoạt chất Glyphosate (đang được coi là thủ phạm gây ung thư), mỗi năm Việt Nam sử dụng tới 30.000 tấn, chiếm 30% trong tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta. Hai loại thuốc Fipronil và Chlorpyrifos được sử dụng từ 3.500 - 4.000 tấn, cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thuốc bảo vệ thực vật sử dụng ở Việt Nam.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cũng phủ nhận thông tin cho rằng mỗi năm Việt Nam đổ xuống đồng ruộng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vì trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu, sản xuất kinh doanh khoảng 100.000 tấn nhưng có khoảng 40% thuốc nhập khẩu sau đó gia công và xuất đi các nước khác, không sử dụng trong nước. Có 10% là các loại thuốc xông hơi khử trùng dùng để xử lý hàng nông sản trước khi xuất khẩu để diệt các loại bệnh trên các nông sản, đây là quy trình bắt buộc phải làm trước khi đưa hàng đi xuất khẩu. Chính vì vậy, mỗi năm chúng ta chỉ sử dụng khoảng 30.000 tấn thuốc trừ sâu trừ bệnh. Ông Hoàng Trung cũng cho rằng, thông tin ở Việt Nam có 1.744 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là nhầm lẫn rất lớn.