Lo việc áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón

Chiều 24-6, tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu thảo luận ở hội trường chiều 24-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM) phát biểu thảo luận ở hội trường chiều 24-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Khoản 2 Điều 9 của dự thảo luật quy định mức thuế suất GTGT 5% áp dụng đối với 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có phân bón. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) không đồng tình áp thuế GTGT 5% với phân bón.

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) đề nghị cân nhắc bổ sung một số nhóm đối tượng chịu thuế như dự thảo luật. Hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tức đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế GTGT 2% cho đến cuối năm 2024); tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025. ĐB cho rằng, việc đưa mức chịu thuế GTGT từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất sẽ khiến các doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát tới các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

ĐB Trần Anh Tuấn phân tích, việc thiết kế 2 chính sách này rất dễ gây xung đột, làm giảm chính sách tài khóa mở rộng đang thực hiện. Vì vậy, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý. Có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế đầu vào mà không bị áp lực tăng giá, giúp thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng, từ nay đến cuối năm 2025 chúng ta cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng khi còn nhiều dư địa. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế. “Những mặt hàng cho phân bón, vật tư cho sản xuất nông nghiệp vẫn giữ thuế 0%. Sau đó, khi nền kinh tế đã phục hồi và phát triển bình thường, tăng trưởng tốt trở lại thì có thể nghiên cứu thêm, tăng 5-10%”, ĐB Trần Anh Tuấn nêu.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, phân bón từng chịu thuế GTGT nhưng sau khi phân tích, cân nhắc thì sửa đổi, đưa phân bón không chịu thuế GTGT. 10 năm qua, mỗi lần tiếp xúc cử tri, nông dân đều phản ánh giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao. Khi nỗi lo của nông dân còn hiện hữu thì Chính phủ lại trình đưa phân bón chịu thuế 5% nên nông dân đã lo còn lo hơn. “Đề nghị không tăng thuế GTGT với phân bón mà bổ sung quy định doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với nguyên liệu đầu vào của phân bón”, ĐB Trần Quốc Tuấn nêu.

Giải trình lại ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế GTGT có phạm vi điều tiết rất rộng, đánh vào hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ. Đây là luật khó vì đụng chạm đến lợi ích các nhà sản xuất kinh doanh. Quy định trong dự thảo cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển. Ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế GTGT, bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành.

Đối với phân bón, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng có nhiều quan điểm. Sản xuất phân bón trong nước chiếm hơn 70% với khoảng 11 triệu tấn; nhập khẩu phân bón gần 27% (trên 4 triệu tấn/năm). Nếu thu thuế phân bón, doanh nghiệp được hoàn thuế thì tạo một nguồn lực cho doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, phát triển một cách bền vững. Nếu hoàn thuế đầu vào thì khoảng 1.500 tỷ đồng, còn thu thuế GTGT 5% với phân bón thì khoảng 4.200 tỷ đồng. Về đánh giá tác động với dân 9,1 triệu nông dân, theo Bộ trưởng, mỗi hộ nông dân trả thêm 461.000 đồng/năm, mỗi hộ nông dân trả 38.000 đồng/tháng. “Vấn đề này chúng tôi sẽ xin ý kiến một lần nữa, tiếp thu để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.

Tin cùng chuyên mục