
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; các đại biểu Quốc hội; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn thuế, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ngành bia, rượu Việt Nam - những doanh nghiệp trực tiếp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân nhận định, bước sang quý 2, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu tác động đan xen trước những biến động về kinh tế, chính trị thế giới, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. “Đây là thời điểm cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách thúc đẩy để tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào tháng 5 tới đây với mục tiêu định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.
Theo ông Lê Quốc Minh, các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất… trong Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt lần này sẽ có tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối, dịch vụ. Đặc biệt, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Đồng tình, TS Trần Đình Thiên bày tỏ trăn trở: “Làm sao để doanh nghiệp Việt mạnh hơn lên. Chúng ta cần có thái độ đúng đắn đối với doanh nghiệp Việt mới có thể có chính sách, cơ chế tốt được. Bối cảnh hiện nay là lúc doanh nghiệp Việt Nam có lẽ là đang yếu nhất, mặc dù lạm phát thấp. Doanh nghiệp đang khát vốn, không thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Động lực tăng trưởng đang suy giảm kéo dài”.
Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất kinh doanh trong nước, vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan. “Nhiều doanh nghiệp đã giảm sản lượng sản xuất 20-30%, buộc phải cắt giảm lao động. Doanh nghiệp gặp khó khăn về doanh thu, lợi nhuận cũng khiến thu nhập của người lao động trong ngành giảm đáng kể trong những năm gần đây. Thậm chí, có doanh nghiệp đồ uống lớn tại miền Trung, quy mô nộp ngân sách mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng đã phải đóng cửa”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) trần tình.
VBA kiến nghị lùi thời điểm áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia và không tăng sốc để giảm tác động đến các doanh nghiệp trong ngành, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Hiện doanh nghiệp ngành đồ uống nộp ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. “Nếu phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng cao ngay trong năm 2026 như đề xuất của cơ quan soạn thảo, doanh nghiệp đồ uống sẽ chồng chất thêm khó khăn, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến khoảng 20 ngành hàng liên quan khác, từ khâu trồng nguyên liệu, chế biến, bao bì, logistics, dịch vụ ăn uống…”, ông Việt lo lắng.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, TS Lê Duy Bình (Economica Vietnam) cũng cho rằng lộ trình tăng thuế của các phương án đề ra trong dự thảo là “quá nhanh, quá gấp”. Thế nhưng, theo chuyên gia này, tăng thu ngân sách nhà nước từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngành rượu, bia theo dự thảo có lẽ sẽ không thấm tháp với mức hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách thuế, tài khóa trong những năm vừa qua.
“Việc sử dụng rượu bia có trách nhiệm là một tập quán văn minh chúng ta nên theo đuổi. Thuế cao là một trong nhiều biện pháp để hình thành nên tập quán văn minh đó. Nhưng thuế cao, bất ngờ, thiếu tính tiên liệu có thể lại làm thui chột những nỗ lực, cố gắng, các khoản đầu tư của các doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, phục vụ cho tập quán văn minh đó”, ông Bình nêu quan điểm.